Skip to main content
Thông tin
Dịch vụ
  • Số điện thoại

    (+84) 97 531 9889

    (+84) 86 929 1771

  • Email

    infor@beau.vn

  • Văn phòng đại diện

    Tầng 5, 33 Giang Văn Minh, Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội

Tương Lai Ngành Giáo Dục - Mô hình số hoá trải nghiệm

13 Nov, 2020 /
Chiến lược
Tương Lai Ngành Giáo Dục

“Số hoá ngành giáo dục” một cụm từ mà chắc hẳn cũng đã quen thuộc với các độc giả, đi cùng với nó là hàng loạt những buzzwords như “cách mạng công nghiệp 4.0”; “IoT"; v..v… vài năm gần đây cũng liên tục được các cơ quan báo chí sử dụng. Hiệu quả của quá trình này thì hẳn ai cũng đoán được, hệ thống giáo dục sẽ cắt giảm được một lượng chi phí khổng lồ từ việc số hoá văn bản, tài liệu hàng năm, tiết kiệm thời gian lẫn công việc cho giáo viên, học sinh và cả phụ huynh khi mọi quá trình đều diễn ra trực tuyến, chính xác và tại chỗ.

Tuy nhiên khi nói đến đây nhiều người sẽ hoài nghi về hiệu quả mà số hoá giáo dục mang lại, liệu đây có thật sự là một bước đi đúng đắn? Hay lợi lại bất cập hại, đi kèm với cắt giảm chi phí và sự tiện dụng liệu có là hệ lụy tiêu cực tới chất lượng dạy và học hay không? Đại dịch Covid-19 bùng nổ đã khiến bao ngành hàng kinh doanh gặp cảnh lao đao, ngành giáo dục cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ khi toàn dân án binh bất động, các em học sinh lại chẳng thể tới trường đã thúc đẩy việc triển khai các mô hình học trực tuyến qua các nền tảng video conference. Cũng từ đây mà không ít câu chuyện dở khóc dở cười xảy ra, học sinh nửa tỉnh nửa mơ khi tham gia học online, tín hiệu chập chờn hay cả việc khó có thể đánh giá được mức độ tập trung của học sinh khi mà giáo viên không trực tiếp ở cạnh để quan sát và hướng dẫn.

Vậy thực hư việc “Số hoá" có phải tương lai của ngành giáo dục hay không? Số hoá thế nào là đúng đắn và có thể hạn chế tối đa các bất cập còn tồn đọng? Trong bài viết lần này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về vị trí của số hóa trong tổng thể nền giáo dục cũng như vai trò của nó trong một viễn cảnh cụ thể là hệ thống giáo dục đại học trong tương lai.

Bối cảnh giáo dục cao đẳng, đại học tại Việt Nam và sự thay đổi trong nhu cầu của sinh viên

“Có học có hơn" hay “Học ăn, học nói, học gói, học mở" cũng đủ để đánh giá tinh thần hiếu học của người Việt, dù có đi đâu và làm gì thì có được con chữ cũng là điều quan trọng nhất. Khi được hỏi về lựa chọn giữa tấm bằng đại học với tấm bằng trung tâm đào tạo nghề hay cao đẳng, sẽ chẳng khó để chúng ta nhận ra tâm lý chung của các bậc phụ huynh về vấn đề học tập của con em mình. “Tấm bằng đại học" vốn được coi như tấm bùa hộ mệnh cho sự “ổn định cuộc sống" trong tương lai, có tấm bằng sẽ cũng dễ dàng hơn khi xin việc, dễ bề thăng tiến.

Tuy nhiên cũng chính vì tâm lý đặt nặng bằng cấp lên hàng đầu cũng vô hình chung mang lại gánh nặng về việc học hành lên vai các em học sinh. Học sinh dành trọn 3 năm cấp 3 để ôn luyện, tích góp kiến thức nhằm chuẩn bị để thi vào đại học. Nào là bao đêm dài thức khuya ôn luyện, chuyện học thêm học nếm hết từ thầy chuyên này tới lò đào tạo nọ cũng chỉ để tăng tối đa khả năng chạm được một chân vào cánh cổng của trường đại học chính quy danh tiếng. Đến khi ước mơ đã trở thành hiện thực, bao công sức được đền đáp thì chẳng mất nhiều thời gian để các em nhận ra việc học đại học không chỉ toàn màu hồng như trong tưởng tượng. Lại là những môn học khô khan, những buổi học dài bất tận và khối lượng kiến thức gấp nhiều lần và đòi hỏi sự tự học nhiều hơn so với việc học tập tại trung học phổ thông.

 

Chẳng ít những trường hợp sinh viên cố bằng được để vào được đại học nhưng cũng sớm từ bỏ con đường học vấn cũng chỉ vì một lý do là… chán. Kết thúc học kỳ I của năm học 2019-2020, hàng loạt trường đại học trong địa bàn thành phố Hồ Chí Minh công bố danh sách sinh viên bị nhà trường cảnh cáo và cho thôi học, con số này không chỉ 1 vài chục mà đã lên tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn sinh viên.

Hệ quả này đến từ nhiều khía cạnh trong đó một phần quan trọng là việc thiếu những hoạt động hướng nghiệp ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường, dẫn tới việc chọn lựa nhầm ngành mà mình không yêu thích hay đam mê. Tuy nhiên cũng không ít trường hợp các em biết mình thích học gì, đã lựa chọn được định hướng cho tương lai nhưng quá trình 4 năm ngồi trên giảng đường lại vô hình chung làm giảm nhuệ khí học tập. Điều này khiến chúng ta cần nhìn nhận và đánh giá lại toàn bộ trải nghiệm học tập mà các trường đại học trong nước đang mang lại cho sinh viên của mình.

Nói tới việc lựa chọn ngành học và môn học, các nền tảng học trực tuyến như Udemy, Coursera, Skillshare hay ở Việt Nam có Edumall, Kyna,v..v.. trở nên thịnh hành trong nhiều năm đổ lại đây không chỉ vì sự tiện dụng khi cho phép người học dễ dàng được truy cập vào kho kiến thức nhân loại ở bất kì đâu, bất kì khi nào chỉ với một thiết bị di động và kết nối mạng internet.

Tôi sẽ nghiên cứu một chút, sâu hơn về chính các nền tảng học trực tuyến, ví dụ như Skillshare. Người học sẽ chi trả một khoản chi phí cố định hàng tháng hoặc theo gói hàng năm, các khoá học ngắn hạn với thời lượng chỉ khoảng vài giờ đồng hồ về nhiều kĩ năng thuộc tất cả các ngành nghề từ giảng viên trên toàn thế giới được tổng hợp tại thư viện bài giảng và người học được tha hồ lựa chọn tuỳ theo sở thích. Người học hoàn toàn không bị gò bó về lựa chọn của mình, học được tha hồ lựa chọn học theo nhu cầu và sở thích và lịch trình của bản thân. Sẽ chẳng ai giới hạn nếu một sinh viên kế toán được học thêm về kỹ năng viết truyện ngắn hay xây dựng online content với một nền tảng học như Skillshare cả.

Điều này cũng đúng với thị trường tuyển dụng hiện đại, ngày càng nhiều công ty tuyển dụng nhân lực cho các vị trí đòi hỏi kinh nghiệm và hiểu biết đa lĩnh vực, ví dụ như "Business Analyst” đòi hỏi bạn vừa có kỹ năng phân tích kinh doanh, vừa cần có tư duy công nghệ và hiểu được tâm lý người dùng. Tôi tin rằng tất để đáp ứng với một thế giới của công nghệ trong tương lai, tất cả các vị trí và nghề nghiệp đều cần sự kết hợp của nhiều kĩ năng và nếu chẳng còn tuyến tính như cách chúng ta biết.

Nghiên cứu đã chỉ ra xu hướng DIYL (Do It Yourself Learning) ngày càng phổ biến và được hưởng ứng rộng rãi, có tới 81% đáp viên trong khảo sát của Barnes and Noble College cho rằng các nền tảng DIYL là công cụ học tập hiệu quả. Người học sẽ “tự do” lựa chọn và quyết định thu nhận kiến thức nào có ích đối với họ và đặt người học vào một vị trí chủ động hơn, đòi hỏi quyết tâm cao cao hơn từ chính họ. Hiệu quả của một phương thức học mới đó là một thế hệ chủ động hơn trong công việc và sự nghiệp, khi có tới 13% bạn trẻ thuộc thế hệ Z đã sở hữu doanh nghiệp riêng cho mình.

Học đại học là một quá trình không hề dễ dàng khi tân sinh viên bỡ ngỡ bước vào quãng thời gian tự lập chính thức đầu tiên. Cũng như bao thứ khác, học đại học cũng cần quá trình làm quen và cần được hướng dẫn bài bản. Với các em sinh viên ngoại tỉnh lên các thành phố lớn để học đại học, ngoài chuyện học hành, các em còn phải lo lắng đủ chuyện từ việc thuê nhà đến quản lý chi tiêu, sinh hoạt phí. “An cư rồi mới lạc nghiệp" - Xin hãy cứ hiểu ý của tôi trong vấn đề này đó là cuộc sống phải yên ổn thì mới có thể tập trung tầm tâm cho một việc gì đó.

Việc học hành cũng chẳng khác gì, quá trình hòa nhập và chuyển tiếp cần được diễn ra dễ dàng và thuận tiện nhất có thể để các em tiết kiệm thời gian, chuyên tâm hơn cho công việc chính lúc này đó là học tập. Chưa kể tới việc kỹ năng mềm của sinh viên như giao tiếp, xử lý thông tin, kỹ năng học tập của hệ ĐH khác xa so với của các cấp học trước đó. Đây đều là các kỹ năng cần thiết để xây dựng một nền tảng vững chắc cho suốt quá trình học nhưng không ít các trường đang coi nhẹ hay ngó lơ những công việc mà tôi gọi là “hướng dẫn hòa nhập cuộc sống đại học” này, họ cho rằng họ chỉ cần quan tâm tới việc giảng dạy kiến thức chuyên môn, các khía cạnh khác về cuộc sống của sinh viên đều không thuộc phạm vi quản lý và nghĩa vụ của họ.

Điều này dẫn tới một hệ quả là không ít sinh viên năm nhất cảm thấy bỡ ngỡ vì cuộc sống đại học khác xa so với thời cấp 3, kết quả học tập giảm sút, vì các em không được trang bị đầy đủ những kỹ năng học tập, nghiên cứu cần thiết. Nguồn thông tin duy nhất để các em cải thiện những kỹ năng trên lại không tới từ nhà trường và thầy cô mà là mạng internet rộng lớn. Cũng không lạ khi mà vài năm đổ lại đây làn sóng về các self-help influencer chuyên cung cấp các video hướng dẫn cách quản lý cuộc sống, các ăn uống, quản lý chi tiêu được giới trẻ hưởng ứng nồng nhiệt.

Hết chuyện hòa nhập mới tới việc học hành, hình ảnh quen thuộc với phần đông mọi người về một môi trường học tập truyền thống đó là cảnh giảng viên trên bục giảng, sinh viên cặm cụi ghi chép phía dưới. Phần lớn thời gian sinh viên ở trường để dành cho việc lên lớp nghe giảng và cứ thế lặp đi lặp lại suốt 4 năm học. Việc sinh viên không đọc kĩ giáo trình trước khi lên lớp, chuẩn bị bài không tốn khi thuyết trình hay chỉ chăm chăm học cho những kỳ kiểm tra cũng chẳng phải hiếm. Hệ luỵ này tới từ cách dạy máy móc, tập trung quá nhiều về lý thuyết và cách học thụ động của phần đông các sinh viên.

Một rào cản khác mà hệ thống giáo dục truyền thống đặt ra đó chính là việc trao đổi thông tin giữa nhà trường, giảng viên với sinh viên bị dừng lại ở khía cạnh một chiều. Với tư duy truyền thống, giảng viên là người phát ra thông tin còn sinh viên chỉ đóng vai trò là bên thu nạp. Giữa người dạy và học thiếu đi sự tương tác, làm rõ vấn đề, từ đó làm giảm hiệu quả của quá trình thu nạp kiến thức. Một nghiên cứu của Barnes & Noble College đã chỉ ra chỉ 12% sinh viên thuộc Gen Z (những người sinh từ năm 1997 tới 2012) cho rằng việc học theo hình thức truyền thống “nghe giảng" là hiệu quả đối với họ, trong khi có tới 51% số học sinh được hỏi cho rằng họ sẽ học hiệu quả hơn nhiều khi được học qua hình thức thực hành.

 

Các nghiên cứu đều chỉ ra thế hệ Gen Z được coi là các công dân số và các em là thế hệ đầu tiên sẵn sàng cho một cuộc sống mới nơi mà ranh giới phân tách giữa không gian vật lý và không gian số là rất mong manh. Đây là thế hệ mà theo tờ Business Insider đã chỉ ra rằng nhu cầu sử dụng thiết bị điện tử trở thành một nhu cầu thiết yếu và cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ. Sinh ra và lớn lên trong thời kì mà các nền tảng và công ty số bùng nổ, thế hệ này mong đợi một trải nghiệm học tập số được ứng dụng các công cụ công nghệ một cách toàn diện, mọi thông tin đều có thể truy cập với rất ít rào cản ngay trong thời gian thực. 

Tuy nhiên thực trạng hiện nay tại phần lớn các trường đại học trong nước đó là hệ thống thư viện sách và bài giảng không đủ đáp ứng nhu cầu của sinh viên khi các số lượng đầu sách số gần như rất hạn chế và cũng chưa được cập nhật thường xuyên để hỗ trợ trong quá trình học của sinh viên, giúp các em có thể dễ dàng tiếp cận kho kiến thức, tra cứu trực tuyến thay vì phải tới tận trường để tham khảo. Ngoài ra hệ thống bài giảng giáo trình của các trường đại học công lập cũng chưa được tổng hợp và cung cấp một cách đầy đủ nhất.

Đây cũng là một vấn đề đến từ nhiều khía cạnh khi một vài trường đại học đưa hoàn toàn trách nhiệm soạn và chuẩn bị giáo án cho giảng viên bộ môn, thay vì một bộ tài liệu giảng dạy tiêu chuẩn. Điều này có lợi thế khi chương trình học luôn được cập nhật và đổi mới theo từng năm để gần sát nhất với nhu cầu của thị trường tuyển dụng. Nhưng điều này cũng đặt ra bài toán cho các trường đại học nhằm tạo ra được một hệ thống quản lý bài giảng thuận tiện và hiệu quả cho cả những người quản lý lẫn sinh viên.

Chưa kể việc giao tiếp phụ thuộc chủ yếu vào các công cụ liên lạc truyền thống như bảng tin, gọi điện thoại hay ngay cả thư điện tử cũng gây ra nhiều bất cập. Từ việc thông báo học phí, lịch thi tới những thông báo mang tính cấp bách hơn như thay đổi lịch học gặp nhiều khó khăn. Thông tin không được truyền tải đúng lúc, đúng người, dẫn tới nhiều hệ lụy cho cả sinh viên, giảng viên phụ huynh, tiêu tốn công sức, thời gian không cần thiết.

Chuyên gia trong mảng công nghệ giáo dục Charles Thornburgh cho rằng trong tương lai, hình thức học tương tác P2P sẽ ngày càng phát trở nên thịnh hành. Điều này cũng ứng với kết quả khảo sát của Barnes & Noble College khi mà có tới 80% đáp viên được hỏi coi trọng việc học tập cùng với bạn bè của mình, 67% học sinh cảm thấy học cùng bạn sẽ giúp quá trình học tập hứng thú hơn. 64% học sinh coi thảo luận nhóm và thảo luận trên lớp là công cụ học hiệu quả nhất vì các em được tham gia trao đổi để chia sẻ các quan điểm khác nhau, nhằm bổ sung và có được một góc nhìn tổng quát và đúng đắn hơn về cùng một vấn đề.

Một số đại học hiện nay đang sử dụng các nền tảng miễn phí như Facebook như những kênh thông tin giao tiếp trực tiếp với sinh viên cũng như các bậc phụ huynh. Đây cũng là kênh giao tiếp và liên lạc chính giữa sinh viên với nhau hay giữa sinh viên với giảng viên và nhà trường.

Tuy nhiên việc lạm dụng một công cụ không được sinh ra với mục đích giáo dục như nền tảng mạng xã hội Facebook cũng gây ra những rào cản riêng. Mỗi một học kỳ, học sinh, giảng viên phải tham gia không dưới 4-6 hội nhóm khác nhau dành riêng cho từng môn học, đây là nơi giảng viên thông báo, cập nhật thông tin cũng như cung cấp tài liệu về bộ môn. Việc này không chỉ gây rối loạn cho cả sinh viên lẫn giảng viên vì số lượng hội nhóm, tài liệu không được quản lý một cách hệ thống, dễ gây ra sự nhầm lẫn, thất thoát thông tin. Và cứ thế mỗi khi một lớp học mới được hình thành, giảng viên lại phải lặp đi lặp lại công cuộc chia sẻ tài liệu, thông tin thủ công từ đầu, gây tiêu tốn công sức cũng như thời gian không cần thiết. Đây chính là thực tế đáng lo và cũng là sự lựa chọn duy nhất mà giảng viên cũng như các trường đại học đang có.

=> Hai mặt của Social Media Marketing trong xu hướng số hoá

Và kết quả của việc áp dụng một giáo trình trung cho tất cả các cá nhân đó là việc chất lượng sinh viên đầu ra không được đảm bảo. Xét về lý thuyết, mỗi người sẽ có mức độ học và tiếp thu kiến thức khác nhau, mỗi người lại cần phương pháp riêng để thu nhận một lượng kiến thức chung, sinh viên “A" có thể có khả năng đọc hiểu cao và hoàn toàn có thể tự học một vấn đề nào đó, trong khi đó sinh viên “B” ưu tiên việc trao đổi, thảo luận với bạn bè để hiểu vấn đề tương tự, và cả hai cách làm đều hiệu quả như nhau thì hoàn toàn chẳng phải là điều gì lạ.

Vì vậy, việc áp dụng cùng một giáo trình, với thời lượng và phương pháp giảng dạy có sẵn, thiếu sự điều chỉnh và cá nhân hoá theo từng cá sẽ hoàn toàn không đem lại hiệu quả tối đa cho quá trình giáo dục của cả người dạy và học. Một rào cản nữa khi không có các công cụ thu thập và đo lường dữ liệu về quá trình học tập của sinh viên, chính là việc thiếu những hỗ trợ, tư vấn và điều chỉnh quy trình học kịp thời, giúp cải thiện chất lượng giáo dục và quá trình học của các em.

 

Viễn cảnh về một hệ thống giáo dục của tương lai

Hệ thống giáo dục nên được nhìn từ 2 khía cạnh chính đó là: “kiến thức giảng dạy" đến từ khía cạnh nhà trường và “trải nghiệm học" mà học sinh hay sinh viên nhận được. Trong đó việc giảng dạy sẽ gói gọn vào khía cạnh cung cấp kiến thức tới sinh viên, từ bài giảng, giáo án, bài tập, giảng viên, cách giảng dạy. Còn trải nghiệm sẽ bao trùm rộng hơn, ngoài việc học tập thuần túy còn là giao tiếp, di chuyển, thậm chí là một phần của cuộc sống đại học, trải nghiệm đó không chỉ dành riêng cho sinh viên mà còn giảng viên, khách mời, v…v…

Hiện tại đa phần các trường đại học đang chỉ tập trung vào chất lượng kiến thức giảng dạy mà thiếu sự đầu tư và nghiên cứu việc truyền tải kiến thức đó tới học sinh sinh viên cũng như trải nghiệm học tập mà sinh viên nhận dc, tuy nhiên tôi tin rằng trải nghiệm giáo dục chính là yếu tố quyết định trực tiếp tới chất lượng mà hệ thống giáo dục đó mang lại.

Nhiều trường đại học đã bắt đầu quá trình chuyển mình và hướng tới việc cải thiện trải nghiệm học tập bằng cách đưa ra các công cụ, tiện ích số như ứng dụng thông minh trên điện thoại di động cho sinh viên ngay từ khi vào trường.

Nhằm chuẩn bị cho cuộc sống đại học cũng như để quá trình chuyển tiếp trở nên dễ dàng và thuận tiết nhất, ngay từ khi đăng ký nhập học, các em sẽ được phát tài khoản sinh viên của riêng mình và được hướng dẫn các bước cơ bản để tải và trải nghiệm ứng dụng thông minh từ nhà trường. Ứng dụng sẽ cung cấp các công cụ và tư vấn trực tuyến về quá trình hòa nhập và làm quen với môi trường học tập đại học, cách quản lý cuộc sống, chi tiêu. Thậm chí tại một số trường đại học còn cung cấp các công cụ số để giúp sinh viên tìm kiếm nhà trọ và các dịch vụ tiện ích được nhà trường bảo trợ khác (dịch vụ ăn uống, phòng khám, nhà sách, tiệm in ấn) xung quanh khuôn viên trường. Đối với sinh viên sinh sống ở xa trường, hệ thống chỉ đường và gợi ý tuyến giao thông công cộng cũng hoàn toàn cần thiết để giúp các em tiết kiệm thời gian trong việc di chuyển.

 

Quá trình làm quen và hoà nhập đã xong, sẽ tới việc học tập và thiết kế lộ trình học tập của chính sinh viên. Việc dạy và học trong tương lại được dự đoán sẽ hoàn toàn đảo ngược so với việc học hiện tại. Chuyên gia marketing Seth Godin hay giáo sư chuyên ngành giáo dục Tricia McLaughlin thuộc đại học RMIT chia sẻ rằng trong tương việc nghe giảng và đọc hiểu tài liệu sẽ được dịch chuyển thành thời gian tự học của sinh viên tại nhà. Nhường chỗ cho quá trình trao đổi, tương tác và trao đổi về bài học, bài tập giữa sinh viên, giảng viên và các đội nhóm trên lớp.

Khi hệ thống kiến thức lý thuyết, bài giảng được số hóa trên nền tảng digital, sinh viên có thể dễ dàng truy cập kiến thức và học ở bất kì đâu và bất kỳ lúc nào, không chỉ bị giới hạn trong khuôn viên nhà trường trong thời gian quy định. Đây cũng là những bước giúp hệ thống giáo dục dần dịch chuyển tới việc cá nhân hóa trải nghiệm học tập của từng sinh viên, tương ứng đúng với nhu cầu và khả năng của các em.

=> Tại sao bạn cần cấu trúc quản lý dữ liệu để xây dựng một doanh nghiệp số thành công

Hình thức học lý thuyết tại nhà với thời gian mong muốn của mỗi cá nhân và lên lớp để tương tác và trao đổi được gọi là “Flipped Classroom" - lớp học đảo ngược mà nhiều trường học hiện nay đang dần áp dụng. Như các nghiên cứu đã chỉ ra đây là một mô hình học hiệu quả, nhất là đối với sinh viên thuộc thế hệ Z. Tuy nhiên đi kèm với nó, để mô hình học này đạt hiệu quả tối đa là việc thay đổi về hệ thống kiến thức và bài tập sang hình thức tương tác, ứng dụng thực tế. Lớp học cần trang bị hệ thống công nghệ như bảng vẽ tương tác, các thiết bị di động để hỗ trợ quá trình truyền tải thông tin, các hình thức tương tác cùng tham gia đóng góp cho bài giảng hay đơn giản hơn là quá trình trả lời câu hỏi chia sẻ kết quả nghiên cứu đều có thể được số hoá và cập nhật thời gian thực.

Ngoài thời trên lớp, sinh viên và giảng viên cần được cung cấp các công cụ khác để phục vụ cho việc tương tác và học tập P2P hiệu quả, thời gian thực. Công cụ này có thể nằm ở phạm vi người với người, trong lớp, trong khoa hay thậm chí rộng hơn là một diễn đàn trao đổi thông tin và kiến thức của sinh viên toàn trường. Công cụ như vậy vừa giúp sinh viên mở rộng mối quan hệ của bản thân, vừa giúp cung cấp cho các em góc nhìn đầy đủ, đa ngành về cùng một vấn đề.

 

Một bước đi khác để đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa trải nghiệm học tập đang được một số trường học tại các quốc gia phát triển ứng dụng đó là việc để sinh viên tự do chọn lựa môn học theo nhu cầu của bản thân. Sinh viên sẽ được hướng dẫn và vẫn cần vượt qua những môn học căn bản xương sống của các ngành học, tuy nhiên các em được tự do lựa chọn các môn học liên ngành khác nếu muốn. Mỗi một kì, học phí được quy đổi ra một lượng tín chỉ tương ứng được để tại “tài khoản chính” của sinh viên. Hệ thống đăng ký môn học sẽ cung cấp mã môn kèm với thông tin về môn, điều kiện cần và đủ để đăng ký học cũng như số lượng tín chỉ của môn. Sinh viên được toàn quyền “chi tiêu" số lượng tín chỉ mình có và tự lên kế hoạch học tập cho riêng mình, các em sẽ đăng ký các môn học mà bản thân thấy cần thiết nhất với lộ trình sự nghiệp của mình trong tương lai.

Cần phải nhận biết dù nhiều trường đại học hiện nay đã áp dụng điều này cho sinh viên của mình, nhưng một rào cản vẫn còn tồn tại đó chính là hệ thống giáo dục hiện tại giới hạn môn học sinh viên được phép đăng ký (chủ yếu nằm trong các môn học có liên quan trực tiếp tới ngành học). Tuy nhiên vấn đề này đang được dần thay đổi tại một số đơn vị giáo dục trên thế giới khi họ thiết kế và cấp bằng cho những chương trình giáo dục đa ngành học “multidisciplinary degree" - nơi mà sinh viên có thể theo học và nhận bằng cấp kép của nhiều hơn một ngành học trong cùng một thời điểm để đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường.

Một lộ trình học được cá nhân hoá đòi hỏi một công cụ giúp sinh viên có thể quản lý thời gian, lịch trình của mình một các hiệu quả nhất. Dù bạn có là sinh viên hay giảng viên, bạn sẽ chỉ có 24 tiếng mỗi ngày, ngoài 8 tiếng để ngủ mỗi ngày, chúng ta còn lại 16 tiếng để được tự do thiết kế cuộc sống của bản thân. Hệ thống xây dựng thời khóa biểu và lịch trình học thông minh của tương lai sẽ giúp phân chia quỹ thời gian thành các khung giờ, cho phép sinh viên tự xây dựng thời gian biểu cho các môn học của mình một cách hợp lý nhất với quỹ thời gian của mình cũng như và lên lịch trình các công việc khách như làm thêm, di chuyển, ăn uống. Thời khoá biểu thông minh còn giúp các em ghi chú hay đặt lịch hẹn với thầy cô, bạn bè cũng như quản lý thông tin lịch thi, lịch làm việc, hạn nộp bài,v...v.. nhằm giúp sinh viên chủ động hơn trong toàn bộ quá trình học tập và làm việc cũng như thuận tiện nhất khi có thể quản lý toàn bộ công việc và lịch trình chỉ với một công cụ duy nhất.

Về khía cạnh quản lý chất lượng dạy và học của nhà trường, những công cụ thu thập dữ liệu và đo lường kết quả học tập của sinh viên sẽ được quản lý cũng như xử lý nhằm đưa ra những chẩn đoán và đánh giá chính xác nhất về trình độ học vấn của sinh viên. Cũng như kịp thời đưa ra những thay đổi, hướng dẫn và giúp đỡ cho những sinh viên có kết quả học tập không như mong đợi để các em có thể lĩnh hội đầy đủ kỹ năng và có nền tảng học vấn cần thiết nhất cho cuộc sống. Ứng dụng công nghệ cho các hệ thống dữ liệu quản lý của nhà trường còn giúp giảm tải gánh nặng của các phòng ban trong công tác vận hành và quản lý đào tạo. Hệ thống sẽ hỗ trợ nghiệp vụ sắp xếp lịch học, phân chia công tác, quản lý sinh viên, lên kế hoạch cho các hoạt động lớn nhỏ của nhà trường một cách tối ưu và minh bạch nhất.

Như đã chia sẻ ở trên đầu tư cho trải nghiệm học tập không thể chỉ dừng lại ở mỗi khuôn khổ bài học, một trường học thông minh sẽ được trang bị công nghệ để giữ trải nghiệm “thông minh" xuyên suốt toàn bộ không gian học tập và làm việc thay vì chỉ gói gọn trong mỗi phòng học.

Ngay từ khi bước chân vào khuôn viên trường, sinh viên đã được tiếp xúc vào chào đón bằng các công nghệ tiên tiến, tín hiệu internet được phủ khắp khuôn viên, hệ thống quản lý giao thông hoàn toàn có thể tính toán và cập nhật cũng như điều hướng cho sinh viên di chuyển qua các tuyến đường thuộc khuôn viên trường nhằm giảm thiểu gánh nặng giao thông cho các tuyến đường chính, cũng như chỉ hướng tới nơi để xe gần nhất còn trống hay thậm chí chỉ chính xác vị trí còn trống đó. Khuôn viên trường được trang bị biển bảng điện tử và cảm biến có thể thay đổi thông điệp thường xuyên một cách dễ dàng. Từ những tin tức được cập nhật trong ngày tới thông tin về lịch trình di chuyển của các phương tiện công cộng trong trường, thông tin về thành tựu, hệ thống tương tác chỉ đường,v..v.. với hệ thống hiển thị thông minh, thông điệp sẽ được gửi đi đúng thời điểm, đạt mục tiêu một cách hiệu quả. 

Hệ thống camera giám sát an ninh sẽ cho phép đội ngũ quản lý nhà trường xác định sinh viên nào đang có mặt tại trường, họ đang ở đâu và có tham gia lớp học đúng theo lịch trình hay không. Công tác quản lý số này giúp gạt bỏ hoàn toàn gánh nặng trên vai giảng viên, quy trình điểm danh, giám sát mức độ tham gia của sinh viên nay đã được số hoá trở nên chính xác, tiêu tốn ít nhân lực.

Tại một vài trường học trên thế giới, hệ thống camera được gắn kèm với các cảm biến cùng các thiết bị điện tử khác như hệ thống điều hoà, ánh sáng,v...v… giúp mang lại trải nghiệm học tập tốt nhất. Camera đặt ở phòng học có thể đánh giá và đo đếm mức độ tập trung và cảm xúc của sinh viên, từ đó đưa ra những điều chỉnh phù hợp nhất như tăng giảm ánh sáng, bật tắt nhạc nền và nhiệt độ để sinh viên có trải nghiệm học tập trung và đạt được hiệu quả tối đa. 


Đi kèm với các hệ thống công nghệ được trang bị tại trường còn là các thiết bị di động, cầm tay như đồng hồ thông minh giúp sinh viên và giảng viên có thể quản lý trạng thái sức khoẻ của bản thân. Những thiết bị này hoàn toàn có thể được kết nối với hệ thống thông minh của cơ sở vật chất tại trường nhằm đưa ra những giải thưởng, thử thách giúp khích lệ việc vận động và quản lý sức khỏe trên. Ngay cả các vấn đề về sức khoẻ tâm lý cũng có thể được cải thiện với các hệ thống cảm biến thông minh. Camera gắn cảm biến có thể thu thập và đo lường cảm xúc của sinh viên, qua thời gian dài đưa ra các báo cáo và kết luận và từ đó sẽ được kịp thời thông báo cho các bậc phụ huynh cũng như các chuyên gia và nhà trường để đưa ra phương án hỗ trợ các em kịp thời.


Kết luận

Hiện nay dù một số trường học trên cả nước đã dần dịch chuyển và ứng dụng công nghệ vào việc quản lý và vận hành tuy nhiên các công cụ trên vẫn đang dừng lại ở mức khá cơ bản là các phần mềm thông báo và quản lý thời gian biểu. Các công cụ trên hiện chỉ nằm ở mức tương tác một chiều, nhà trường là bên cung cấp, truyền đạt thông tin tới sinh viên. Có thể trả lời ngay rằng số hoá ngành giáo dục là một bước đi đúng đắn và là duy nhất để xã hội tiếp tục phát triển.

Tuy nhiên viễn cảnh về một tương lai số hoá của ngành giáo dục mở ra nhiều câu hỏi mà phạm vi của chúng đã nằm ngoài khuôn khổ và mục đích của bài viết này như cần có những chế tài cũng như biện pháp chặt chẽ để quản lý dữ liệu cá nhân của người dùng (học sinh, sinh viên và cả giảng viên), cũng như cách ứng dụng, sử dụng và đầu tư cho công nghệ cần có một chiến lược dài hạn và bài bản để có một kết quả tốt nhất. Sẽ còn rất xa nữa để chúng ta có thể tiến tới một trải nghiệm giáo dục tương lai mà chúng tôi đã chia sẻ phía trên nhưng sẽ không là quá sớm để chúng ta cùng lên kế hoạch và bước những bước đi đầu tiên trong quá trình số hoá trải nghiệm giáo dục cho thế hệ tương lai!

Xem thêm: Ngành kinh doanh bán lẻ có thể thay đổi thế nào trong thời đại số hoá

Đăng ký
nhận tin tức.