Cơ hội, thách thức & xu hướng eCommerce của các doanh nghiệp vừa và nhỏ
Trong bài viết của kì trước, Beau Agency đã chia sẻ về khái niệm và lịch sử hình thành của e Commerce. Khi đã có thể trả lời câu hỏi: "eCommerce là gì?", hãy tiếp tục cùng chúng tôi khám phá về những Cơ hội và Thách thức mà eCommerce đem lại cho doanh nghiệp.
=> Xu hướng website eCommerce của các thương hiệu nhỏ quốc tế
Cơ hội
Chi phí vận hành thấp hơn
Một trong những điểm mạnh của thương mại điện tử là nó yêu cầu chi phí khởi điểm thấp hơn. Các cửa hàng bán lẻ thực tế phải chi trả tới hàng ngàn đô la để thuê địa điểm và thanh toán các loại phí cần trả trước như bảng hiệu, thiết kế cửa hàng, vật dụng bán hàng,... Không chỉ vậy, chủ cửa hàng cũng cần thuê nhân viên làm việc, quản lý và điều hành. Với những cửa hàng bán hàng hóa có giá trị lớn, tại cửa hàng cần có cả bảo vệ.
Tuy nhiên, đối với một cửa hàng thương mại điện tử dropshipping (do bên thứ ba sản xuất và vận chuyển hàng hóa), chi phí khởi điểm được ước tính là 418 đô la và các cửa hàng thương mại điện tử chỉ phải trả tối đa 3,192 đô la/năm trên nền tảng Shopify để “thuê” suất bán hàng. Shopify cũng cung cấp một nền tảng dễ sử dụng, lưu trữ, theme miễn phí, các ứng dụng tuyệt vời như Oberlo và nhiều đặc quyền khác.
Tùy thuộc vào loại hình thương mại điện tử bạn kinh doanh, bạn có thể chỉ cần thuê nhân viên khi doanh nghiệp phát triển đến một cấp độ nhất định. Vì cửa hàng trực tuyến là online nên những nhân viên này có thể làm việc từ xa, giúp việc tìm nhân viên phù hợp trở nên dễ dàng hơn. Chi phí vận hành nhìn chung thấp hơn rất nhiều so với cửa hàng truyền thống. Đây là một trong những lợi ích hấp dẫn nhất với những người mới kinh doanh.
Thu nhập tiềm năng 24/7
Một lợi thế khác của thương mại điện tử là các cửa hàng trực tuyến luôn mở để kinh doanh. Với quảng cáo Facebook, bạn có thể thu hút sự chú ý của ai đó tới sản phẩm của mình vào 11 giờ đêm hoặc 4 giờ sáng ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Ngược lại, hầu hết các cửa hàng truyền thống đều hoạt động từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối. Thương mại điện tử mang lại lợi thế cạnh tranh cho bạn bằng cách luôn sẵn sàng phục vụ mọi khung giờ.
Với đối tượng khách hàng không làm việc theo giờ giấc thông thường hoặc quá bận rộn để ghé vào cửa hàng mua đồ, một cửa hàng thương mại điện tử là giải pháp cho họ. Còn những khách hàng thường đặt đồ vào ban đêm? Bạn không cần phải có nhân viên làm ca đêm để đáp ứng yêu cầu của họ. Tất cả những gì bạn cần làm là tự động hóa hệ thống đặt hàng để khách hàng yên tâm vì nhận được email xác nhận sau khi họ đặt hàng. Và một lợi ích nữa khi mở cửa hàng trực tuyến thay vì cửa hàng truyền thống: bạn sẽ không bao giờ cần thuê bảo vệ.
Bán hàng quốc tế
Với thương mại điện tử, một thương hiệu mới có thể dễ dàng bán cho khách hàng trên toàn thế giới. Nếu bạn chọn giao hàng từ AliExpress, nhiều sản phẩm cung cấp dịch vụ vận chuyển ePacket với giá phải chăng hoặc miễn phí vận chuyển. Điều này cho phép bạn định giá và vận chuyển sản phẩm của mình một cách cạnh tranh tới khách hàng ở bất kỳ quốc gia nào. Bán hàng trên toàn thế giới giúp bạn xây dựng thương hiệu của mình nhanh hơn rất nhiều, mở rộng thị trường theo cấp số nhân và cho phép bạn đạt được lợi nhuận trước các đối thủ cạnh tranh.
Dễ dàng giới thiệu các sản phẩm bán chạy nhất
Tính năng hiển thị sản phẩm bán chạy nhất trên các nền tảng thương mại điện tử giúp bạn dễ dàng giới thiệu sản phẩm với khách hàng hơn. Mặc dù bạn có thể thiết kế cửa hàng truyền thống để thu hút khách hàng mua một số sản phẩm nhất định, nhưng so với việc đi qua các lối đi và kệ khác nhau, khách hàng sẽ dễ dàng tìm thấy những sản phẩm bán chạy nhất trong một cửa hàng trực tuyến.
Trải nghiệm mua hàng trực tuyến được cá nhân hóa
Cá nhân hóa website có thể giúp nâng cao trải nghiệm mua sắm trực tuyến.Một trong những lợi thế lớn nhất của kinh doanh trực tuyến là bạn có thể tạo các trang đích được cá nhân hóa cho những nhóm đối tượng khách hàng mục tiêu khác nhau. Điều này có thể lôi kéo họ mua hàng của bạn mà bạn không cần phải làm gì thêm.
Doanh nghiệp cũng có thể cá nhân hóa trải nghiệm thông qua các chiến dịch tiếp thị bằng email. Hãy thử phân chia danh sách email của bạn dựa trên các giao dịch, vị trí hoặc thậm chí số tiền khách hàng đã chi trả. Một đề xuất khác là retarget những khách hàng đã ghé thăm cửa hàng trực tuyến của bạn, hiển thị quảng cáo về sản phẩm mà họ đã thêm vào giỏ hàng nhưng lại quên mất.
Nếu cửa hàng thương mại điện tử của bạn có tính năng đăng nhập, hệ thống có thể gửi tin nhắn chào mừng, ví dụ như “Welcome back, (tên khách hàng)!”. Gói sản phẩm có thể giúp khách hàng mua nhiều hơn với giá tốt hơn, làm tăng giá trị trung bình của đơn hàng. Bạn cũng có thể cá nhân hóa các mặt hàng bán thêm dựa trên những gì khách hàng đã xem hoặc những gì bạn nghĩ họ có thể thích dựa trên hành vi mua hàng của họ.
Chi phí thuê nhân viên phải chăng
Một trong những lợi ích của thương mại điện tử là doanh nghiệp có thể thuê nhân viên với giá cả phải chăng từ bất kỳ đâu trên thế giới. Các cửa hàng trực tuyến cần ít nhân viên hơn so với cửa hàng truyền thống. Với các doanh nghiệp mới thành lập, bạn không cần phải có nhân viên khi cửa hàng trực tuyến ra mắt. Bạn có thể bắt đầu và điều hành một công việc kinh doanh thương mại điện tử một mình. Chỉ khi doanh nghiệp bắt đầu phát triển hoặc có vốn nhiều hơn, bạn mới cần bắt đầu xây dựng đội ngũ nhân sự.
Dễ dàng khuyến khích việc mua sắm ngẫu hứng
Với thương mại điện tử, bạn có thể tận dụng việc mua sắm ngẫu hứng vì khách mua hàng trực tuyến có xu hướng tham gia nhiều hơn vào việc này. Nếu cửa hàng có những bộ ảnh sản phẩm hấp dẫn với màu sắc rực rỡ hoặc nhiều cảm xúc, bạn có thể tạo quảng cáo để thúc đẩy mua hàng. Bạn cũng có thể thực hiện chiến thuật khan hiếm như đếm ngược hoặc trưng bày sản phẩm với số lượng có hạn để khuyến khích người mua.
Ngoài ra, nếu bạn có một sản phẩm mới hoặc phiên bản giới hạn trong kho, hãy cân nhắc sử dụng mặt hàng đó cho những phiên mua hàng ngẫu hứng để xem khách hàng phản hồi thế nào. Vì những người mua sắm ngẫu hứng có xu hướng quan tâm đến yếu tố xã hội và hình ảnh hơn, họ có thể mua để khoe rằng họ đã có sản phẩm mới nhất trước bất kỳ ai.
Dễ dàng retarget hoặc remarket khách hàng mục tiêu
Thật dễ dàng để tạo quảng cáo retarget khách hàng mục tiêu trong khu vực của bạn khi điều hành một doanh nghiệp trực tuyến. Bạn có thể sử dụng ứng dụng Shoelace Shopify để retarget những người ghé thăm cửa hàng của bạn nhưng không mua. Với cửa hàng thương mại điện tử, bạn có thể retarget những người thêm sản phẩm vào giỏ hàng của họ nhưng lại không mua bằng cách thu thập địa chỉ email và tiếp tục tiếp thị cho khách hàng sau khi họ rời khỏi trang web của bạn.
Dễ dàng truy cập dữ liệu khách hàng
Một trong những cơ hội thương mại điện tử mang lại là bạn có thể dễ dàng truy cập dữ liệu để phân tích khách hàng của mình. Hầu hết mọi người đều cảm thấy không thoải mái khi đưa địa chỉ email hoặc mã bưu điện cho các nhà bán lẻ. Trong thương mại điện tử, bạn có thể dễ dàng có được tên, địa chỉ, email và số điện thoại của khách hàng. Điều đó có nghĩa là bạn có ít nhất ba cách khác nhau để giao tiếp và xây dựng mối quan hệ với họ. Bạn thậm chí có thể gợi ý khách hàng điền vào form khảo sát tiếp thị, chia sẻ ngày sinh của họ với bạn và hơn thế nữa. Nếu bạn yêu cầu họ tạo một tài khoản, bạn sẽ có thêm thông tin để phục vụ họ tốt hơn.
=> BIG DATA – Chìa Khóa Thành Công của marketing Thời Đại Số
Có thể xử lý số lượng đơn đặt hàng lớn
Nếu bạn bán hàng theo hình thức dropshipping (do bên thứ ba sản xuất và vận chuyển hàng hóa), bạn có thể xử lý số lượng đơn hàng lớn một cách dễ dàng. Khi doanh nghiệp phát triển lớn mạnh hơn, bạn mới cần thuê nhân viên để xử lý đơn đặt hàng. Ngoài ra, với dropshipping, bạn không cần phải có sản phẩm trong kho để bán cho khách hàng, do đó bạn không cần lo lắng về việc kiểm soát hàng tồn kho như các cửa hàng truyền thống.
Mở rộng quy mô kinh doanh nhanh chóng
Một trong những lợi ích của thương mại điện tử là doanh nghiệp có khả năng mở rộng quy mô kinh doanh dễ dàng hơn. Với các cửa hàng truyền thống, rất khó để phát triển thêm các dòng sản phẩm mới hoặc thêm quầy thu ngân do không gian có hạn. Bạn sẽ cần tìm một không gian lớn hơn, cải tạo cửa hàng hoặc chờ thời gian thuê kết thúc để mở rộng quy mô kinh doanh của mình. Với mô hình thương mại điện tử dropshipping, bạn có thể thêm sản phẩm mới vào cửa hàng của mình mà không phải lo lắng về việc vận chuyển hoặc giữ hàng tồn kho, nhờ vậy tốc độ mở rộng quy mô kinh doanh nhanh hơn.
Phát triển doanh nghiệp tự nhiên bằng nội dung
Với thương mại điện tử, bạn có thể tăng lượng truy cập tự nhiên và doanh số bán hàng bằng nội dung. Từ việc sản xuất video đến viết blog, bạn có thể tối ưu hóa kinh doanh để thúc đẩy lượng truy cập và doanh số bán hàng mà không cần đầu tư thêm. Ngoài ra, bạn không chỉ có được lượng truy cập tự nhiên thông qua việc phát triển nội dung mà còn có thể kiếm tiền từ những khách hàng này bằng quảng cáo retarget. Ngược lại, một cửa hàng truyền thống sẽ cần các chiến dịch tiếp thị khuyến khích khách hàng mục tiêu ghé qua hoặc đảm bảo cửa hàng của họ nằm ở khu vực đông đúc để có nhiều người mua sắm hơn.
=> Dẫn Đầu Xu Hướng Với Video Content Marketing
Thách thức
Lựa chọn nền tảng vận hành thương mại điện tử
Một trong những nhược điểm của thương mại điện tử là không ai có thể mua hàng nếu website gặp sự cố. Đó là lý do tại sao việc đảm bảo trang web của bạn được vận hành trên một nền tảng phù hợp vô cùng quan trọng. May mắn thay, các giải pháp thương mại điện tử như Shopify cung cấp nền tảng vận hành miễn phí, cho phép bạn có một trong những server tốt nhất trên thị trường. Sự cố hoạt động website trên các nền tảng như Shopify rất hiếm xảy ra nên nó sẽ không gây ra vấn đề cho doanh nghiệp của bạn.
Khách hàng không thể thử trước khi mua hàng
Mặc dù đây hiện là vấn đề của nhiều nhà bán lẻ, nhưng nó sẽ không phải là vấn đề lâu dài. Nhiều cửa hàng đang bắt đầu thêm các yếu tố tương tác thực tế ảo (AR) vào cửa hàng trực tuyến của họ để cho phép khách hàng dùng thử sản phẩm mà không cần đến tận nơi. Các công ty thương mại điện tử thực tế ảo tăng cường cung cấp giải pháp cho các doanh nghiệp để tạo ra trải nghiệm tương tác hơn với khách hàng của họ. AR hoạt động chính xác như thế nào? Ứng dụng Virtual Artist của Sephora là một ví dụ điển hình. Doanh nghiệp này cung cấp trải nghiệm thực tế ảo tăng cường, nơi khách hàng có thể thử các loại phấn mắt, màu môi khác nhau,... mà không cần đến cửa hàng. Nhờ đó, quá trình mua hàng diễn ra nhanh và hiệu quả hơn.
Thương mại điện tử có tính cạnh tranh cao
Tranh giành khách hàng là một trong những nhược điểm tồi tệ nhất của thương mại điện tử. Thực tế là các thị trường ngách thường có tính cạnh tranh cao nên thu hút rất nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Tuy nhiên, thị trường ngách càng cạnh tranh thì quảng cáo cho thị trường ngách đó càng đắt. Có một số cách để giải quyết vấn đề này. Đầu tiên, bạn có thể thực hiện một chiến lược tiếp thị khác với đối thủ cạnh tranh của mình. Nếu tất cả khách hàng của bạn đang được target bởi đối thủ cạnh tranh thông qua quảng cáo Facebook, bạn có thể thử tăng hạng tự nhiên bằng cách tối ưu hóa SEO. Nếu tất cả các đối thủ cạnh tranh của bạn đang sử dụng Pinterest, bạn có thể thử tiếp thị trên Instagram nếu đối tượng của bạn mua hàng một cách trực quan. Thứ hai, nếu quảng cáo mất quá nhiều chi phí, bạn có thể tăng lượng truy cập đến các bài đăng trên blog và retarget những khách hàng đã ghé thăm blog để tạo quảng cáo với chi phí thấp hơn.
Khách hàng có thể trở nên mất kiên nhẫn trong quá trình mua hàng
Tại cửa hàng truyền thống, khi khách hàng thắc mắc sẽ có nhân viên bán hàng trả lời họ. Tuy nhiên, một nhược điểm của thương mại điện tử là hầu hết các doanh nghiệp đều gặp phải tình trạng chậm trễ phản hồi thắc mắc của khách hàng. Thực tế là hầu hết khách hàng mong đợi phản hồi từ cửa hàng trong vòng một giờ trên các phương tiện xã hội. Nếu bạn chậm trễ trong việc trả lời tin nhắn của họ, họ có thể tức giận và mua hàng ở một nơi khác. Bạn cần trực tuyến 24/7. Ngoài ra, quá trình thanh toán nhiều bước và không rõ ràng cũng khiến khách hàng trở nên mất kiên nhẫn và rời website.
Hình thức bán lẻ truyền thống vẫn phổ biến hơn dù thị phần giảm
Mặc dù thương mại điện tử đang ngày càng phát triển, bán lẻ thực tế vẫn chiếm phần lớn thị phần. Năm 2020, ngành công nghiệp bán lẻ đã tích lũy được 4.184 nghìn tỷ đô la mặc dù đại dịch COVID-19 tấn công mạnh mẽ đến các cửa hàng truyền thống. Trong khi đó, thương mại điện tử chỉ kiếm được 709.78 tỷ đô la trên toàn thế giới. Bắt đầu kinh doanh trực tuyến trong giai đoạn đầu cho phép bạn trở thành người dẫn đầu trong thị trường ngách của mình. Tuy nhiên, nếu bạn có một cửa hàng truyền thống, bạn có thể cân nhắc việc kinh doanh trực tuyến cho doanh nghiệp của mình và ngược lại. Ví dụ, Amazon, mặc dù là nền tảng thương mại điện tử lớn, nhưng họ cũng đang phát triển các cửa hàng truyền thống. Tương tự, các doanh nghiệp bán lẻ cũng đang dần dịch chuyển số để tăng nguồn lợi nhuận và mở rộng quy mô doanh nghiệp nhanh hơn.
Xu hướng trong hoạt động của doanh nghiệp nhỏ
Chuyển đổi số Xu hướng tất yếu của doanh nghiệp bán lẻ
Vài năm trở lại đây, thế giới đã có rất nhiều nhà bán lẻ do không kịp thích ứng với thời đại mới đã phải đóng cửa. Năm 2019, chỉ tính riêng các hãng bán lẻ Mỹ đã đóng cửa hơn 8,200 cửa hàng, vượt qua tổng số 5,589 cửa hàng của năm trước nữa, theo dữ liệu từ Coresight Research. Trong khi đó, các kênh bán hàng online lại phát triển bùng nổ và trở thành những ông lớn trong ngành bán lẻ, điển hình như các tập đoàn Amazon, Alibaba,... Điều này chứng minh một điều rằng: Thị trường bán lẻ đang cực kỳ cạnh tranh và những thay đổi, xu hướng sẽ đóng vai trò quyết định đối với sự tồn tại của doanh nghiệp bán lẻ trong tương lai. Vai trò của chuyển đổi số và những tác động tích cực của công nghệ đã không còn là vấn đề cần phải bàn đến. Các ứng dụng công nghệ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa nhân sự, dễ dàng quản lý hệ thống, đem lại năng suất lao động cao hơn giúp các nhà bán lẻ nâng cao khả năng cạnh tranh.
Không chỉ áp dụng trong quản lý kinh doanh, công nghệ còn tạo ra sự kết nối, liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau, tạo ra sự minh bạch và phát triển bền vững. Nếu không có công nghệ thì các nghiệp vụ như thanh toán, logistics,... khó mà phát triển nhanh và hiệu quả. Ngày nay, khách hàng có xu hướng tìm kiếm sự tiện lợi trong mua sắm để tiết kiệm thời gian. Do đó, trải nghiệm mua sắm suôn sẻ mọi lúc mọi nơi chính là mong muốn của họ. Việc tối ưu hoá trải nghiệm của người tiêu dùng và các hoạt động của doanh nghiệp bằng cách cho phép khách hàng được truy cập liên tục các dữ liệu đa dạng để nắm bắt sản phẩm và dịch vụ sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu khách hàng một cách thuận lợi, tiết kiệm thời gian nhất.
Xem thêm: 5 Xu hướng Digital Marketing của năm 2018 mọi Marketer cần biết
Thương mại điện tử tăng trưởng trong đại dịch Covid-19
Đại dịch Covid-19 vẫn đang không ngừng lan rộng ra toàn cầu, len vào mọi ngõ ngách, mang lại những hậu quả tàn khốc cho nền kinh tế. Tuy nhiên, trái ngược với bức tranh ảm đạm của các trung tâm thương mại dưới sự ảnh hưởng của đại dịch, kinh doanh mua sắm trực tuyến lại có mức tăng trưởng khả quan.
Theo khảo sát của Nielsen vào tháng 2/2020, các nhà bán lẻ trực tuyến như Tiki, Speed Lotte… ghi nhận số đơn hàng trung bình trong một ngày tăng ít nhất 2-4 lần. Dịch vụ mua sắm trực tuyến của Co.opmart tăng 4-5 lần trong cùng giai đoạn. Đơn vị vận chuyển Grab nhanh chóng ra mắt dịch vụ Grab Mart đi siêu thị giúp người tiêu dùng. Đây là những động thái thích ứng rất nhanh với thị trường từ phía các đơn vị bán lẻ. Ngày càng nhiều doanh nghiệp tìm kiếm, xây dựng những kênh giao tiếp, mua bán với khách hàng của mình một cách gần gũi và hiệu quả hơn. Ở những điểm chạm này, các giải pháp công nghệ liên tục phát triển giúp cho sự chuyển đổi của các doanh nghiệp diễn ra nhanh chóng hơn.
Sự thay đổi này vô tình đã và đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi trong cách thức các doanh nghiệp bán lẻ hoạt động - điều mà trước đây họ chưa thực sự quan tâm đúng mức về việc chuẩn bị và thích ứng. Dù quy mô lớn hay nhỏ, nếu doanh nghiệp không chịu hòa theo dòng chảy này thì việc bị loại ra khỏi cuộc chơi là điều vô cùng dễ hiểu - giống như hàng loạt doanh nghiệp buộc phải đóng cửa hậu Covid. Việc áp dụng công nghệ vào ngành bán lẻ không chỉ giải quyết các vấn đề về vận tải, tài chính, kiểm soát chất lượng hàng hóa mà còn cả quá trình thanh toán, phục vụ, tương tác với khách hàng.
Đẩy mạnh bán hàng đa kênh
Mô hình đa kênh (omnichannel) bao gồm các kênh online (website, Facebook, Zalo…) và các kênh offline (trực tiếp tại các cửa hàng, đại lý…) được tích hợp đồng bộ vào một hệ thống, giúp thương hiệu tương tác với người tiêu dùng mọi lúc mọi nơi, trên mọi thiết bị công nghệ và nền tảng để hành trình mua sắm của người tiêu dùng không bị gián đoạn. Khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, người tiêu dùng ngay lập tức thay đổi các ưu tiên trong thói quen tiêu dùng: từ “thuận tiện” sang “an toàn”, từ “cân nhắc về giá cả” sang “tình trạng có sẵn của hàng hóa”, từ “mong muốn” sang “nhu cầu thiết yếu”. Khi hành vi mua sắm của người dùng dịch chuyển theo hướng tối thiểu hóa việc mua sắm tại các điểm bán hàng truyền thống, tăng tần suất giao dịch trực tuyến cũng chính là thời điểm các doanh nghiệp bán lẻ nhìn lại sở thích và thói quen người tiêu dùng, từ đó nhanh chóng mở rộng và tăng cường bán hàng đa kênh.
Xem thêm: Hai mặt của Social Media Marketing trong xu hướng số hoá
Với bán hàng đa kênh, người tiêu dùng có thể tham khảo và thử trực tiếp tại các cửa hàng truyền thống nhưng thực hiện giao dịch mua hàng trực tuyến để hưởng lợi từ chương trình ưu đãi. Ngược lại, người tiêu dùng cũng có thể tham khảo mức giá và mẫu mã thông qua website/ứng dụng của doanh nghiệp nhưng thực hiện giao dịch mua sắm tại cửa hàng.
Cảm ơn đã theo dõi bài viết của Beau! Trong bài viết tới, chúng ta sẽ cùng nhau nghiên cứu những xu hướng thiết kế website của các doanh nghiệp nhỏ.