Tổng quan về Digital Design — Giới thiệu về UX & UI
Thiết kế digital đã trở thành một trong những ngành phát triển nhất và thiết kế đã không chỉ còn là thứ chúng ta thấy, mà là trải nghiệm của chúng ta trên các thiết bị.
Thiết kế digital thường được gắn với UX, UI và vai trò của người thiết kế khi làm digital là phải để sản phẩm có thể tích hợp trên nhiều hệ điều hành, thiết bị khác nhau.
Bởi sự phát triển nhanh chóng của công nghệ di động, đã biến các tương tác giữa con người và các thiết bị số trở thành một tương tác cơ bản hàng ngày. Điều ấy khiến thiết kế digital đã trở thành một trong những ngành phát triển nhất và thiết kế đã không chỉ còn là thứ chúng ta thấy, mà là trải nghiệm của chúng ta trên các thiết bị.
Thiết kế digital là gì?
Về cơ bản, thiết kế digital là phần thiết kế hiển thị trên một thiết bị nhằm tương tác với con người. Hai phần chính của thiết kế digital là thiết kế trải nghiệm người dùng (UX) và thiết kế giao diện người dùng (UI). Một digital designer sẽ tạo ra nghiệm người dùng, bao gồm cả giao diện lẫn cảm xúc của sản phẩm. Thiết kế hình ảnh chỉ là một phần nhỏ trong số ấy, phần chính đó là nhu cầu của người dùng, tính tương thích giữa sản phẩm và vấn đề của người dùng và chức năng tối thiểu cần có để người dùng có thể đjat được mục tiêu của họ. Điều ấy có nghĩa là thiết kế digital liên quan rất nhiều tới kỹ thuật.
Một sản phẩm kỹ thuật số giống như cơ thể con người, phần code sẽ là bộ xương, cho cơ thể một cấu trúc. UX sẽ là cơ quan nội tạng, giúp đo lường, tối ưu hóa và tạo ra sự sống. Trong khi, UI sẽ là da thịt, nó đại diện, tương tác với thế giới bên ngoài. Quan trọng hơn, tất cả chúng tương quan lẫn nhau và không thể hoạt động nếu thiết một trong ba thứ ấy.
Thiết kế UX là gì?
Mỗi sản phẩm nào cũng bao gồm trải nghiệm người dùng tương ứng với nó, từ cốc cà phê, cái bàn, cái ghế hay cái đèn. Với vai trò là designer, chúng ta thiết kế ra sản phẩm đồng thời tạo ra trải nghiệm người dùng cho chính sản phẩm ấy. Nó không khác gì khi xét với sản phẩm digital, chúng ta tạo ra trải nghiệm, tạo sự thú vị, làm người dùng thỏa mãn, đồng thời, tạo sản phẩm tối ưu, hiệu quả.
Khái niệm trải nghiệm người dùng (UX) lần đầu được giới thiệu bởi Donald Norman - kỹ sư điện, nhà khoa học nhận thức, kiêm kỹ sư trải nghiệm người dùng tại Apple. Ông định nghĩa, trải nghiệm người dùng là toàn bộ trải nghiệm của một người với một hệ thống, sản phẩm hoặc thiết bị. Cụ thể, nó là tương tác của họ với chất liệu, hình dạng, màu sắc, tính năng của sản phẩm ấy. Bởi vậy, trải nghiệm người dùng là yếu tố chính quyết định thành bại của một sản phẩm trên thị trường và thiết kế cần được thực hiện dựa trên nhu cầu và mục tiêu của người dùng cuối.
Người dùng luôn là trung tâm của sản phẩm, mục tiêu chính mà sản phẩm được tạo ra là để đáp ứng nhu cầu, mong muốn của họ. Đó là lý do, thiết kế trải nghiệm người dùng không chỉ là đồ họa hay nghệ thuật, mà còn bao hàm cả khoa học, sinh học, tâm lý học và công nghệ. Một sản phẩm trực quan, dễ sử dụng, có thể đáp ứng mong muốn và mục tiêu của người dùng một cách dễ dàng, nhanh chóng chính là một sản phẩm có trải nghiệm tốt.
Ngoài thiết kế, UX designer sẽ tham gia nhiều giai đoạn phát triển sản phẩm khác để hiểu và đáp ứng nhu cầu của người dùng, ví dụ như nghiên cứu người dùng, lên chiến lược cho sản phẩm. Điều này cũng nhằm mục đích có thể tạo ra một sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường. Nếu sản phẩm không phù hợp với nhu cầu và mong muốn của người dùng, có nghĩa sản phẩm ấy không có giá trị và sẽ bị loại bỏ khỏi thị trường, gây tổn thất về cả thời gian lẫn tiền bạc cho nhà phát triển. Bởi vậy, UX designer sẽ là người tạo ra giải pháp cho người dùng nhưng cung phải đáp ứng được mục tiêu kinh doanh, thông qua nhiều câu hỏi tại sao, cái gì và như thế nào:
- Tại sao người dùng chọn dùng sản phẩm?
- Mục tiêu của họ khi dùng nó là gì? Sản phẩm của chúng ta có đáp ứng chúng?
- Họ có thể đạt được những mục tiêu ấy một cách dễ dàng với sản phẩm không?
Công việc chính khi thiết kế UX
Có 4 công việc chính khi xây dựng trải nghiệm người dùng là: thiết kế tương tác, cấu trúc thông tin, nghiên cứu người dùng và tạo chiến lược trải nghiệm:
- Thiết kế tương tác: Tạo một sản phẩm dễ sử dụng, điều hướng tốt. Những thứ như button, chuyển trang, animation là những phần thuộc về thiết kế tương tác.
- Cấu trúc thông tin: Sắp xếp, tổ chức thông tin theo một cách có hệ thống, rõ ràng, cho người dùng có thể hiểu và được điều hướng dễ dàng.
- Nghiên cứu người dùng: Nhằm xác định vấn đề, hiểu người dùng, từ đó có thể thiết kế ra giải pháp tối ưu.
- Chiến lược trải nghiệm: Đóng vai trò chính trong việc kết nối giữa người dùng và mục tiêu kinh doanh.
UI là gì?
Giao diện người dùng là điểm tương tác giữa người dùng và sản phẩm. Nó có thể là màn hình cảm ứng điện thoại, touchpad trên một máy bán hàng tự động, hay giao diện của các nền tảng online hay website chúng ta sử dụng. Tất cả những gì người dùng thấy và dùng để đạt được mục đích của họ với sản phẩm.
Nhiệm vụ của UI designer là tìm hiểu nhu cầu của người dùng và đưa nó vào giao diện. Cụ thể, họ thiết kế các element đồ họa và các tương tác đáp ứng nhu cầu của nhóm khách hàng mục tiêu. Để làm được điều ấy, UI designer cần chọn ra đúng typeface, màu, đặt các nút đúng chỗ cần đặt và đảm bảo user flow hợp lý, điều hướng người dùng để họ không phải bỏ nhiều nỗ lực khi dùng sản phẩm.
“UX tập trung vào hành trình khách hàng nhằm giải quyết một vấn đề. Còn UI tập trung vào giao diện và chức năng của sản phẩm ấy.” - Ken Norton
Các yếu tố trong thiết kế UI
Trong thiết kế UI, việc chọn các element để đưa vào giao diện người dùng rất quan trọng. Khi chọn đúng, chúng sẽ giúp chúng ta điều hướng người dùng qua các trang, giúp họ đạt được mục tiêu tương ứng. Một trong những yếu tố UI phổ biến nhất là input control, hệ thống điều hướng và hệ thống thông tin.
1. Hệ thống điều hướng
Hệ thống điều hướng giúp người dùng được điều hướng qua các trang của website hoặc ứng dụng. Chúng bao gồm icon, menu, thanh tìm kiếm, chân trang, slider và tag.
2. Hệ thống thông tin
Hệ thống thông tin là nơi mà người dùng sẽ được được các thông tin trong khi sử dụng sản phẩm. Chúng bao gồm thông báo, chú giải, thanh load, hộp thư, cửa sổ.
3. Vùng chứa
Mục đích chính của vùng chứa là để gộp những nội dung liên quan lại, nó có thể bao gồm một lượng lớn thông tin trong một khoảng giới hạn. Vùng chứa thường thấy là widgets và sidebar.
Nguyên tắc thiết kế UI
Hình ảnh đồ hoạ, typeface, cấu trúc thông tin, copywriting là những yếu tố mà UI designer cần cân nhắc tới khi họ thiết kế giao diện người dùng. Có rất nhiều nguyên tắc thiết kế mà cả UI designer và UX designer cần biết, dưới đây là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất:
1. Lấy người dùng làm trung tâm
Giao diện người dùng cần tập trung vào người dùng và mục tiêu chính là tạo ra một giao diện thuận tiện cho việc điều hướng. Để đạt được điều ấy, designer sẽ phải thực hiện phỏng vấn người dùng, thử nghiệm sản phẩm để kiểm tra khả năng sử dụng của sản phẩm.
2. Thiết kế rõ ràng, đơn giản
Giao diện người dùng thành công là khi người dùng có thể nhận biết các phần có tương tác trên sản phẩm, biết các tương tác ấy sẽ dẫn tới điểm nào trong luồng tương tác. Để người dùng có thể nhanh chóng hiểu và làm quen với sản phẩm, thiết kế của sản phẩm cần đơn giản, rõ ràng.
3. Giảm tối đa tùy chọn
Để đảm bao điều hướng, bạn nên giảm tối thiểu tùy chọn các bước, hành động và tập trung một trang có một hành động chính. Để những hành động khác ở bước tiếp theo, nếu hành động ấy mang lại giá trị lớn cho người dùng, hãy thiết kế cho nó một trang riêng.
4. Thống nhất và thân thuộc
Khi sản phẩm tương tác như cách người dùng kỳ vọng, nó sẽ khiến họ cảm thấy thoải mái. Ví dụ một đoạn văn bản nhìn giống như nó chưa link và người dùng click vào nó, nếu nó chuyển tới một trang khác nó khiến họ cảm thấy an toàn, tin tưởng, ngược lại, nếu nó không chuyển trang nó sẽ khiến người dùng thấy khó hiểu. Thiết kế tốt là khi người dùng có thể dự đoán được kết quả của tương tác được tạo ra khi nhìn qua giao diện.
5. Đừng khiến người dùng phải nghĩ
Thiết kế tốt là thiết kế vô hình. Khi người dùng đạt được mục tiêu của họ trên sản phẩm mà không gặp phải bất cứ khó khăn nào, họ được tập trung vào hành động và mục tiêu của họ thay vì thiết kế.
6. Undo và phản hồi
Đã bao lần bạn click nhầm vào một link nhưng lúng túng không biết làm sao để quay lại? Tình huống ấy hết sức phổ biến và designer cần cân nhắc tới nó khi thiết kế giao diện. Người dùng có thể nhấn nhầm vậy nên hãy để họ quay lại bước trước đó một cách dễ dàng, đừng để họ cảm thấy căng thẳng trong tình huống ấy. Bên cạnh đó, thông báo cho người dùng về quá trình xử lý cũng quan trọng. Thiết kế cửa sổ thông báo và cho họ biết hành động đang được thực hiện, hoàn thành hoặc có lỗi.
7. Khả năng tiếp cận và tính linh hoạt
Khi thiết kế giao diện cũng cần cân nhắc tới khả năng tiếp cận của người dùng. Có rất nhiều người dùng bị hạn chế thị giác hoặc mù màu, họ thường xuyên gặp vấn đề khi sử dụng những giao diện trên laptop và smartphone. Designer nên để thiết kế của mình linh hoạt, có thể tương thích với nhiều màn hình và nền tảng, để có thể cung cấp cùng một giá trị cho nhiều người dùng khác nhau.
Kết luận
Làn sóng công nghệ đã tác động tới rất nhiều lĩnh vực, trong đó có cả thiết kế. Trong những năm quá, thiết kế đã phát triển và thay đổi rất nhiều. Nhiều công cụ mà chúng ta đang dùng hằng ngày không tồn tại trong vài năm trước đó. Một thứ công cụ mới được sinh ra sẽ thay thế một hoặc thậm chí nhiều thứ cũ. Nằm trong làn sóng ấy, chúng ta cần theo sát xu hướng, đồng thời, suy nghĩ về những khả năng và thách thức cho cả chúng ta và người dùng trong tương lai.
Nếu chúng ta không nghĩ về tương lai, rất nhiều khả năng chúng ta sẽ bị bỏ lại phía sau. Một vài năm trước, chúng ta thiết kế máy phát CD, giờ đây, chúng ta thiết kế giao diện cho Spotify, Deezer và Apple music. Bởi vậy, chúng cần thích ứng, phát triển kỹ năng dựa trên những phát triển của công nghệ. Tương tự với việc kinh doanh, nếu không nhận thức được sự phát triển và thay đổi của ngành, việc phát triển sản phẩm sẽ đi tới điểm thất bại.
Mọi thứ nói ở trên chứng minh một điều: thiết kế giống như sự sống, nó phát triển và thích ứng theo sự thay đổi của công nghệ và nhu cầu của người dùng. Không có gì tồn tại mãi, nhưng điều chắc chắn là trong lĩnh vực thiết kế và phát triển sản phẩm số, chúng ta mới chỉ bước những bước đầu, sẽ còn nhiều thứ đang chờ đợi chúng ta phía trước.