Vision - Mission - Values - Nguyên tắc cơ bản của thương hiệu
Câu hỏi đặt ra rằng làm thế nào để bạn có thể thiết lập một mục tiêu bao trùm lên toàn bộ công ty? Để làm được điều đó, chúng ta cần hướng đến các nguyên tắc cơ bản của mọi doanh nghiệp: Vision - Mission - Values.
Theo một thống kê về nhân sự, thật bất ngờ khi có đến 70% số người trả lời rằng họ cảm thấy không thật sự gắn kết với công việc của mình. Vậy chỉ có 30% số người gắn kết với công việc họ đang làm thôi sao? Chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp cần ngay lập tức bắt tay vào rút ngắn khoảng cách này.
Rất nhiều doanh nghiệp đưa ra những nỗ lực nhằm gắn kết đội ngũ nhân lực của mình bằng cách tổ chức những hoạt động bonding team, những kì nghỉ hàng năm, trao quyền nhiều hơn cho nhân viên trong công việc, … Tất cả những sáng kiến đó đều giúp nhân viên của họ cảm thấy hạnh phúc hơn trong công việc, tuy nhiên lại chưa thể giải quyết triệt để sự băn khoăn trong lòng những người nhân sự về ý nghĩa công việc của bản thân họ. Và một khi chưa tìm được câu trả lời cho sự băn khoăn của mình, những người nhân sự trong công ty sẽ không tìm thấy sự gắn kết của bản thân họ với công việc của mình.
Năm 1962, trong chuyến đi thăm NASA, khi nhìn thấy một người công nhân đang quét dọn, tổng thống John F Kenny lập tức gián đoạn chuyến đi thăm, ông tiến lại gần người công nhân và hỏi: “What are you doing man?”. Người công nhân dừng công việc của mình và trả lời: “I’m helping put a man on the moon.”
Tôi tin rằng trong trường hợp này, NASA đã thật sự biết cách gắn kết nhân sự của mình với công việc của họ để từ đó đồng lòng hướng tới mục tiêu chung của công ty. Vậy câu hỏi đặt ra rằng làm thế nào để bạn có thể thiết lập một mục tiêu bao trùm lên toàn bộ công ty? Để làm được điều đó, chúng ta cần hướng đến các nguyên tắc cơ bản của mọi doanh nghiệp: Vision - Mission - Values.
Nếu nhỡ may Donald Trump tới thăm công ty của bạn, những người nhân sự có thể trả lời đầy tự hào rằng “Tôi đang giúp công ty của mình vươn tới mục tiêu trong tương lai”. Hãy cùng tôi thực hiện điều này!
Đọc thêm: Xây dựng thương hiệu chạm tới trái tim
Vision là gì?
Vision có thể được hiểu như một bức tranh rõ ràng chỉ ra viễn cảnh bạn hướng đến trong tương lai. Vision là một điểm đến. Hãy cùng tôi đặt Vision vào một bối cảnh cụ thể hơn để chúng ta có được một cái nhìn toàn vẹn.
Vào cuối mùa hè này, bạn quyết định gia đình mình sẽ tận hưởng một kỳ nghỉ đầy thảnh thơi, tránh xa mọi ồn ào phố thị tại một bờ biển vắng. Hình dung của bạn hiện ra những làn sóng trong xanh, bãi cát trắng mịn màng, từng hàng dừa đưa mình trong làn gió biển tươi mát. Bạn và cả gia đình cùng nằm dưới bóng cây và tận hưởng trọn vẹn bầu không khí trong lành mà bạn đã luôn chờ đợi. Thật tuyệt phải không?
Vision chính là bãi biển tươi đẹp - điểm đến mong muốn của bạn và gia đình.
Mỗi doanh nghiệp có một Vision khác nhau. Vision của Microsoft là “Mỗi chiếc máy tính trên mỗi chiếc bàn tại mỗi căn nhà khác nhau”. Với Facebook là “Kết nối những mối quan hệ và thế giới xung quanh bạn ngay tại Facebook”.
Vì sao vision quan trọng?
Tất cả các doanh nghiệp cần xác định cho mình một đích đến mà ở đó nhân sự của mình cùng đồng lòng vì mục tiêu chung của công ty. Vision giúp doanh nghiệp sắp xếp các nguồn lực và bắt tay thực hiện các bước cần thiết để đạt được mục tiêu chung. Vision là chất gắn kết những nỗ lực vì một mục tiêu chung. Nó tạo ra ý nghĩa cho công việc của những người nhân sự trong công ty.
Trong báo cáo “How Millennials Want to Work and Live”, số liệu giúp chỉ ra rằng có tới 60% số lượng nhân sự không cảm nhận được sự gắn kết với mục tiêu chung của công ty. Phải chăng Vision mà những doanh nghiệp đưa ra đang chưa thật sự rõ ràng và tạo lập sự gắn kết trong đội ngũ nhân sự?
Tầm nhìn rõ ràng mang lại cho nhân sự cảm giác về ý nghĩa công việc của họ được đan xen với các mục tiêu lớn hơn của tổ chức, từ đó giúp họ tự hào về tầm quan trọng của những gì họ cống hiến cho công ty. Thật tuyệt vời khi có bên mình những người nhân sự luôn tự hào về công việc của họ phải không?
Nhìn chung, những nhân sự kết nối chặt chẽ ý chí cá nhân và ý chí chung của doanh nghiệp đều dốc trọn trái tim cho công việc của mình, từ đó đồng lòng hướng tới mục tiêu chung của cả doanh nghiệp.
Mision là gì?
Mission là những hành động của bạn nhằm hoàn thành hành trình của mình (Vision).
Nếu Vision là hình dung của bạn về điểm đến trong tương lai thì Mission sẽ là những hành động cụ thể bạn thực hiện để hoàn thành hành trình của mình.
Mission của tập đoàn TH là “Nỗ lực hết mình để nuôi dưỡng thể chất và tâm hồn VIệt bằng cách cung cấp những sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên”. Với Microsoft đó là “Trao quyền cho mọi cá nhân và tổ chức trên thế giới để họ đạt được nhiều thành tự hơn”. Facebook đưa ra mission “Giúp mọi người có sức mạnh để xây dựng cộng đồng và mang thế giới xích lại gần nhau hơn”.
Mission cũng quan trọng chẳng kém
Nếu như Vision xác định điểm đến của bạn vào “một ngày nào đó” thì Mission là những gì bạn làm “hàng ngày” để tiến đến “một ngày nào đó”. Mission của một doanh nghiệp cung cấp những hướng dẫn cụ thể về việc đưa ra các quyết định và đặt ra các ưu tiên trong toàn bộ doanh nghiệp của bạn.
Mission tác động sâu sắc đến giá trị tạo ra bởi một doanh nghiệp, tuy nhiên nó không phải những giá trị đơn thuần về mặt kinh tế. Nó là sự phản ánh đầy khát vọng giữa những nhân viên và mục tiêu chung của doanh nghiệp. Mission là kim chỉ nam giúp nhân sự trong công ty đưa ra những hành động hướng tới mục tiêu chung.
Nếu thiếu đi một Mission cụ thể, nhân viên của bạn sẽ dễ dàng lạc lối trong công việc và từ đó khiến doanh nghiệp của bạn đi chệch khỏi Vision đã đề ra.
Còn Values thì sao?
Vision của bạn xác định điểm đến cuối cùng, Mission của bạn xác định chi tiết các hành động và ưu tiên giúp bạn đạt hướng tới điểm đến mong muốn và values của bạn xác định những nguyên tắc và lý tưởng nào là quan trọng đối với bạn trong suốt chuyến đi.
Đối với một doanh nghiệp, Vision và Mission cung cấp những chỉ dẫn tương đối rõ ràng trong khi Values là những điều ít hiện hữu hơn. Chúng là sự thể hiện văn hóa của doanh nghiệp trong mọi hoạt động mà doanh nghiệp hướng tới.
Trong suốt hành trình của mình, đâu là những giá trị bạn muốn doanh nghiệp và nhân sự của mình cùng chia sẻ? Niềm vui? Sự nhiệt huyết? Tính bất ngờ? Hay bất cứ điều gì khác, Values là những giá trị cốt lõi trong suốt hành trình của bạn.
Tất nhiên là values cũng rất quan trọng.
Values cung cấp một lăng kính mà qua đó các tổ chức chắt lọc quan điểm của họ về thế giới. Nó cho phép doanh nghiệp xác định những lý tưởng rõ ràng để nhân sự nỗ lực phấn đấu cải thiện năng lực và trở thành một phần gắn kết của tổ chức đó.
Khi các giá trị của tổ chức phù hợp với các giá trị mong muốn của nhân viên, kết quả là sự cải thiện hiệu suất từ những người nhân sự trong công ty. Trong cuốn “Xây dựng để trường tồn” Jim Collins và Jerry Porras cho rằng các công ty tập trung vào việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp giàu giá trị đã thể hiện hiệu suất vượt trội hơn ít nhất 6 lần so với những công ty bỏ qua việc xây dựng những giá trị cốt lõi.
Vision, Mission và Values của một doanh nghiệp là những điều thiết yếu trong việc xác định văn hóa của tổ chức và gắn kết nhân sự với công việc của họ. Theo Harvard Business Review, để gắn kết nhân sự, các nhà lãnh đạo phải vinh danh những giá trị mà nhân sự đóng góp trong quá trình vươn tới mục tiêu chung của tổ chức và tiếp tục giúp đỡ nhân viên của mình trong quá trình đó.
Vision, Mission và Values của doanh nghiệp không chỉ là “những lời đãi môi”. Chúng phải được gắn kết trực tiếp với những giá trị mà nhân viên đại diện. Mối quan hệ mật thiết giữa nhân sự và doanh nghiệp là chìa khóa cho các tổ chức đạt được tầm nhìn của họ.
Bài viết gốc Vision - Mission - Values đến từ blog của Beautique - Brand & Creative Agency.