Hợp tác Client và Agency: Những góc nhìn mới
Theo một nghiên cứu mới đây, 61% Client không hài lòng với Agency đối tác. Điều này khiến cho mối quan hệ giữa Client và Agency ngày càng trở nên phức tạp. Client có thực sự lúc nào cũng là người đòi hỏi, là những ông vua có quyền sai khiến Agency? Agency có thực sự chỉ là kẻ làm theo mệnh lệnh của Client, không thể từ chối bất kỳ yêu cầu nào của Client? Là một Agency nhiều năm kinh nghiệm làm việc với Client từ lớn đến nhỏ, chúng tôi xin chia sẻ một góc nhìn mới về mối quan hệ này:
Đối với chúng tôi, từ lâu quan hệ giữa Client và Agency chẳng khác nào mối quan hệ tán tỉnh, yêu đương của các chàng trai, cô gái trẻ. Khi ấy, client là cô gái xinh đẹp nhưng cũng đầy kiêu sa, đỏng đảnh. Cô gái ấy đôi lúc đầy sức sống, quyến rũ với những dự án thú vị, đầy cuốn hút nhưng cũng có lúc khó tính, đỏng đảnh với những yêu cầu không rõ ràng, những mong muốn khó hiểu. Trong mối quan hệ này, Agency đóng vai trò là những chàng trai đầy nhiệt huyết, mê đắm theo đuổi các cô gái Client.
Đừng biến mình trở thành một Client lạnh lùng, khó gần nếu muốn dự án của bạn thành công.
Client – cô gái đỏng đảnh:
Client luôn mong muốn hiểu Agency mà họ muốn hợp tác: Agency mạnh ở điểm nào? Họ sở hữu đội ngũ nhân sự ra sao? Cảm giác họ mang đến có phù hợp với thông điệp sản phẩm của Client không? Agency có kinh nghiệp tiến hành các dự án này chưa? …
Việc tìm hiểu luôn là cần thiết để hai bên có thể đặt nền móng tin tưởng cho sự hợp tác. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc Client gọi tất cả các Agency mà họ biết tham gia một buổi pitching không công bằng. Tất nhiên, điều tôi muốn nhắc đến ở đây là việc một số Client yêu cầu rất nhiều Agency gửi kế hoạch hay bản thiết kế demo cho mình sau buổi pitching. Sau đó, không có bất kỳ phản hồi nào cho Agency thậm chí sử dụng một phần bản thiết kế của Agency đó mà không đề xuất hợp tác. Những chàng trai lịch lãm sẽ không bao giờ lạnh nhạt với cô gái thân thiện với mình dù cho không thích cô ấy. Trong trường hợp này, Client cũng nên tôn trọng sáng tạo của Agency bằng cách tránh đòi hỏi gửi bản kế hoạch hay thiết kế trước hoặc trả một khoản phí pitching nhất định cho các Agency tham gia.
Chuyện chi phí concept, chi phí ý tưởng cũng là việc khiến cho các Agency khá đau đầu. Bởi lẽ ở Việt Nam, Client của họ không mấy khi chịu trả chi phí cho những giá trị vô hình này. Agency đăng quảng cáo, Client thấy quảng cáo đó và ok họ trả tiền. Agency thiết kế Website, Client nhận Web và ok, trả tiền thiết kế Web. Nhưng còn tiền concept, ý tưởng, Client không thấy và họ chưa bao giờ muốn trả phí cho những điều đó. Thực tế, đó chính là chi phí chất xám, thời gian, công sức của cả một đội ngũ đầu tư để đưa tìm insight, nghiên cứu, …
Agency một chàng trai đầy nhiệt huyết
Agency lúc nào cũng mang trong mình nhiệt huyết của những người làm sáng tạo. Với một cái đầu đầy ắp ý tưởng, Agency luôn đề cao sự bay bổng của sáng tạo, dự án nào cũng phải thật sáng tạo, thật mới và độc đáo. Thực tế, nếu một Agency không sáng tạo sẽ bị đào thải ngay khỏi guồng quay kinh hoàng ngày nay. Tuy nhiên, sáng tạo hay bay bổng thế nào phù hợp nhất với khách hàng lại là điều rất khó để ước lượng.
Cơ duyên giữa Client và Agency
Điểm chung nhất giữa Client và Agency là dự án. Client có nhu cầu triển khai và Agency có khả năng đáp ứng nhu cầu đó. Điều này tạo nên một cơ duyên giữa họ. Từ việc gặp gỡ nhu cầu cho đến ký kết hợp tác một dự án còn cần nhiều yếu tố khác tác động như cảm giác, mong muốn của Client hay khả năng đáp ứng của Agency về chất lượng sản phẩm, giá cả, quy trình làm việc, … Các Agency hiện nay luôn sẵn sàng hợp tác hết mình với những Client nhiệt huyết và thiện chí bởi dù Client có lớn đến đâu mà thiếu thiện chí hợp tác thì rất khó có thể tìm kiếm được sự tâm huyết từ Agency. Đừng biến mình trở thành một Client lạnh lùng, khó gần nếu muốn dự án của bạn thành công.
Sự kỳ vọng
Sự kỳ vọng là không thể thiếu trong bất kỳ mối quan hệ nào. Giữa Client và Agency hiện nay vẫn tồn tại một khoảng chênh nhất định trong kỳ vọng về đối phương. Đôi khi, nó khiến cho cả hai bên ảo tưởng về viễn cảnh của dự án và là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ không đáng có.
Client muốn: ý tưởng độc đáo, sáng tạo, dự án phải thật hiệu quả với chi phí thấp nhất.
Agency: ý tưởng độc đáo, sáng tạo, bay bổng nhưng cần ngân sách rất lớn. Ngân sách của Client chỉ đáp ứng được một phần dự án thôi.
Đôi khi, Client vẽ ra những viễn cảnh kỳ vọng quá lớn nhưng lại đưa ra một khoản dự trù ngân sách quá nhỏ khiến cho các Agency đau đầu trong việc giải thích, thuyết phục để khách hàng hiểu được phạm vi của dự án. Khoảng chênh kỳ vọng giữa Client và Agency còn thể hiện ở việc Agency quan tâm nhiều hơn đến sự sáng tạo, độc đáo của dự án trong khi đó Client lại dành mối quan tâm lớn hơn đến chi phí.
Xung đột và hoà hợp
Từ khoảng chênh kỳ vọng cũng như sự chưa thấu hiểu nhau giữa Client và Agency dẫn đến một vài sự xung đột mà xung đột thường gặp nhất giữa họ là sự không hiểu nhau. Client muốn A nhưng Account của Agency hiểu B và truyền đạt đến các bộ phận khác thành C. Hoặc đơn giản là việc chính Client cũng không biết rõ mình muốn gì? Trong quá trình làm việc với một vài Client, tôi rất sợ họ nói: “Chị muốn sửa cho đẹp hơn. Chị thấy chưa ổn lắm” nhưng chưa ổn ở đâu, cần sửa những gì thì chị không chắc. Vậy đấy, chính khách hàng còn không hiểu được mình thì rất khó đòi hỏi Agency hiểu được khách hàng. Đây cũng là một trong những lý do thường gặp dẫn đến xung đột giữa Client và Agency.
Vậy, làm gì để giải quyết những xung đột này? Có lẽ trước tiên, Client cần hiểu được vai trò của mình trong mỗi dự án, tìm hiểu và dự trù được cho chính mình về phạm vi, ngân sách, thời gian triển khai. Hãy ngồi lại khi có bất kỳ khoảng chênh nào giữa hai bên với thiện chí hợp tác, đóng góp cao nhất.
Cái kết
Mối quan hệ giữa Agency đổ vỡ hay thuận lợi phụ thuộc vào thiện chí hợp tác và khả năng của cả hai bên. Client hãy thấu hiểu, cảm thông và tin tưởng Agency mà mình đã lựa chọn bởi lẽ trên con đường hình thành và phát triển của doanh nghiệp vẫn đâu đó có sự góp mặt của một vài Agency.