Truyền Thông Thị Giác: Nhận Thức Và Thao Túng
Khái niệm truyền thông thị giác bắt đầu từ đâu?
Vào thế kỷ 18, triết gia Immanuel Kant từng cho rằng chúng ta không hề biết về thế giới thực, nó được ẩn sau bức màn cảm giác và những thứ chúng ta nhận thức vốn chỉ là những suy đoán trong quá trình bộ não phân tích về thế giới ấy. Điều ấy có nghĩa rằng mọi thứ ta thấy và cảm nhận chỉ là những ảo ảnh. Dù khó chấp nhận nhưng sau hơn hai thế kỷ, các nhà khoa học đang dần tìm ra những bằng chứng chứng minh sự hợp lý của nó. Và như Anil Seth bình luận, nhận thức của chúng ta về thế giới là không thực nhưng đối với bản thân chúng ta thì nó vốn không cần thực mà quan trọng hơn chúng cần hữu dụng.
Tại sao chúng ta lại sống trong chính ảo ảnh mà mình tạo ra? Tại sao nó lại hữu dụng? Và điều này có ý nghĩa gì với truyền thông thị giác?
Con người chúng ta có năm giác quan gồm: Thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác. Mỗi giác quán sẽ đảm nhiệm một vai trò khác nhau nhưng nhìn chung chúng đều có chung một mục đích là để cảm nhận và phân loại những sự vật, hiện tượng xung quanh chúng ta. Nói cách khác, giác quan là một cổng tiếp nhận thông tin hay tác động từ thế giới bên ngoài. Từ giác quan những thông tin ấy được truyền tới não, nơi phân tích và xử lý thông tin, giúp chúng ta xác định cảm xúc và trạng thái phù hợp để phản ứng với những tác động ấy.
Và trong năm giác quan, giác quan mạnh nhất của chúng ta là thị giác. Chiếm phần lớn thụ thể cảm giác (senrory receptor) của cơ thể, mắt tiếp nhận mọi thông tin về hình ảnh đưa chúng tới vỏ não thị giác (visual cortex) để phân tích. Quá trình tiếp nhận và phân tích thông tin hình ảnh đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng khái niệm về thế giới xung quanh, trong thế giới ấy chúng ta có màu sắc, hình dáng, kích thước, chất liệu,...những vật chất ấy lại ứng với những trạng thái, cảm xúc và suy nghĩ khác nhau. Như khi chúng ta cảm thấy dễ chịu khi nhìn những màu như xanh lam, xanh lá bởi những màu ấy gợi cho ta cảm giác về những thứ vô chi, vô hại như thiên nhiên như cây cối, bầu trời.
Xem thêm: Tâm lý học về Màu sắc và ứng dụng trong thiết kế
Hoặc ngược lại, chúng ta cũng có thể nhắc về cây cối hay bầu trời mà không cần mô tả bất cứ một hình dạng, một màu sắc nào nhưng cả người nói và người nghe đều hiểu và hình dung ra được hình ảnh ấy. Việc đó là nhờ cơ chế lưu thông tin của não, thứ mà theo Daniel Dennett là một hệ thống tính toán với hàng tỷ máy ghi, ghi lại những thông tin hằng ngày, biến nó thành một tệp thông tin lưu trữ, để có thể sử dụng một cách tự động ngay khi cần. Cơ chế này gắn chặt với nhận thức và hành vi của con người và xây dựng nên những cảm xúc trong vô thức, những tư duy, khái niệm trong ý thức.
Cơ chế ấy cũng chính là cột sống của truyền thông thị giác - Visual Communication hay thiết kế đồ họa. Bởi vậy thiết kế đồ họa như một tảng băng trôi, phần đỉnh mà mọi người thấy chỉ là hình khối, màu sắc nhưng phần bên dưới lớn hơn, phức tạp hơn là những cảm xúc, những khái niệm thì được âm thầm tạo ra. Bản chất của thiết kế đồ họa là việc sử dụng hình ảnh để lặng lẽ thao túng cảm xúc và suy nghĩ của người xem.
Phương thức này xuất hiện trong mọi sản phẩm đồ họa, bởi mọi hình dạng đều có tính chất riêng, mọi màu sắc đều khơi gợi những cảm xúc nhất định. Hình vuông cho ta cảm giác tin tưởng, vững trãi không phải vì đơn thuần nó là hình vuông mà bởi hình vuông có hình dạng tương đồng với những vật thể mang tính chất ấy như khối gạch, khối đá. Tương tự, những góc nhọn cho cảm giác gai mắt cũng bởi vì nó có sự tương đồng với những vật nguy hiểm như mũi tên, con dao.
Xem thêm: Những nguyên tắc Gestalt - Khai thác quy luật thị giác trong thiết kế UI
Cụ thể hơn với một sản phẩm đồ họa như icon, bản thân chúng không phải hình ảnh thực mà chúng ta nhìn ngoài đời nhưng chúng ta vẫn hiểu được sự vật mà nó mô tả. Bởi dù hình ảnh được giản lược nhưng miễn sao nó vẫn giữa lại những đặc điểm đặc trưng của sự vật thì thông điệp vẫn còn nguyên vẹn. Và cũng bởi sự giản lược, thông điệp ấy mang tính chắt lọc và trực diện từ đó đẩy nhanh quá trình tiếp nhận và hiểu thông tin.
Tương tự như vậy với print ads cũng có rất nhiều ví dụ của Visual Communication - Truyền thông thị giác cho việc sử dụng hình ảnh để thao túng cảm xúc và suy nghĩ. Một tấm print ads bình thường có thể không giành được của chúng ta 1 giây liếc mắt, nhưng một print ads có ý đồ sẽ giành cả ánh nhìn lẫn tâm trí. Và xa hơn nó còn trở thành những câu chuyện mà chúng ta chuyền tay nhau trên mạng xã hội.
Visual Communication - Truyền thông thị giác trong thiết kế Branding Identity
Việc thao túng trong truyền thông thị giác là luôn luôn nhưng không phải lúc nào việc ấy cũng là một hình thức khơi gợi hình ảnh, tưởng tượng mà nó còn là việc educate cho người xem về một hình ảnh mới, đưa cho họ những khái niệm, ý nghĩa gắn với hình ảnh ấy. Và đó là branding, việc mà mọi thương hiệu đều quan tâm và cố gắng làm tốt nhất có thể.
Nếu ở thời Trung Cổ, nhắc tới trái táo ta nhắc về trái cấm, về Adam, Eva thì ở thì hiện tại, táo gợi nhớ tới sản phẩm công nghệ gắn với tôn chỉ “nghĩ khác đi”. Bởi sau nhiều năm, cuộc sống con người đã khác đi, bởi Apple là đột phá công nghệ và bởi mọi người xung quanh luôn có một chiếc Apple trên tay. Từ những thay đổi và tác động bên ngoài mà những khái niệm và suy nghĩ của chúng ta cũng thay đổi. Bởi ngoài việc phân tích và xử lý thông tin, não của chúng ta còn có khả năng update và thay đổi khái niệm để thích nghi với sự thay đổi chung từ bên ngoài.
Đó cũng chính là lý do một thương hiệu hay một sản phẩm mới luôn cố gắng đẩy mạnh truyền thông, để khách hàng biết và hiểu nó là cái gì, nó sinh ra để làm gì. Và để có thể có một nhận diện tốt chúng ta cần có mình hình ảnh mang tính đại diện, hình ảnh này phải đi xuyên suốt với thương hiệu nhiều năm và nó chính là những thứ như logo hay brand identity.
=> Tận Dụng Các Mô Hình Nhận Thức Vào Sản Phẩm Thiết Kế p1 ; Tận Dụng Các Mô Hình Nhận Thức Vào Thiết Kế Sản Phẩm p2
Nhưng trong bối cảnh bùng nổ thông tin, con người bận rộn việc educate khách hàng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, vậy nên những thiết kế như logo hay brand identity cũng như icon, phải được giản lược để có thể đẩy nhanh tốc độ nắm bắt thông tin. Và đồng thời không như icon, logo và brand identity còn cần thể hiện được những sắc thái của thương hiệu mà nó đại diện, và như vậy chúng ta lại quay lại câu chuyện xử lý hình ảnh như thế nào cho đúng với những tính chất, cảm xúc mà ta muốn có.
Như ta thấy, thiết kế đồ họa tưởng chừng chỉ là một nghề về hình ảnh nhưng bản chất của nó lại là một công việc mang nặng tính con người. Nếu không biết, không hiểu về những khái niệm có sẵn trong tâm trí của con người đương thời thì làm sao ta có thể khơi gợi những thứ ấy?! Nếu không hiểu màu sắc, hình khối thì sao ta có thể sử dụng chúng để tạo ra thông điệp?!
Nguồn: COLLINS
Bởi một hình vuông đứng một mình sẽ có một cảm giác khác với một hình vuông được đặt cùng những yếu tố khác, hay một hình vuông lớn cũng cho một cảm giác khác so với một hình vuông nhỏ. Trong khi một sản phẩm thiết kế hoàn thiện là tổng hợp của một nhóm đối tượng hình ảnh, màu sắc khác nhau, thêm nữa còn có thể là tùy chỉnh về chất liệu, bố cục, tỷ lệ. Và cảm xúc của người xem không bị chi phối bởi một đối tượng cụ thể mà là một tổng hòa từ tất cả những yếu tố có trên thiết kế.
Vậy nên sự phức tạp của thiết kế không đến từ việc chọn hình, chọn màu mà là việc phối hợp, kiểm soát tất cả các yếu tố để tạo ra một cảm xúc, một thông điệp đúng. Và cái khó của thiết kế không nằm ở việc làm sao để thiết kế thật cầu kỳ, ấn tượng mà nó nằm ở việc làm sao để giản lược để đẩy nhanh tốc độ nắm bắt thông tin, nhưng đồng thời cũng không được xuề xòa mà vẫn phải đủ cho những tiêu chuẩn về thẩm mỹ và nhận diện.
Xem thêm: Lựa Chọn Hình Ảnh Cho Website Doanh Nghiệp
Như vậy, thiết kế trở thành một công việc đòi hỏi sự tinh tế trong việc quan sát, sự nhạy cảm trong cảm nhận và thông minh trong cách làm việc. Bởi cái khó, cái phức tạp, bởi đòi hỏi nhiều suy ngẫm và tư duy nên công việc ấy được gọi là “thiết kế đồ họa” chứ không phải vẽ đồ họa.