Nhảy đến nội dung
Thông tin
Dịch vụ
  • Số điện thoại

    (+84) 97 531 9889

    (+84) 86 929 1771

  • Email

    infor@beau.vn

  • Văn phòng đại diện

    Tầng 5, 33 Giang Văn Minh, Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội

Tâm lý học Màu sắc và ứng dụng trong thiết kế

21 Th9, 2019 /
UX/UI
Tâm lý học Màu sắc và ứng dụng trong thiết kế

Con người đang sống trong một thế giới phủ đầy màu sắc, bao trọn chúng ta từ thế giới thực tới thế giới tưởng tượng trong đầu. Hiện hữu khắp mọi nơi và gắn chặt với tư duy, nhận thức của chúng ta về thế giới, màu sắc ảnh hưởng mạnh mẽ tới suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta. Tận dụng khả năng này, màu sắc được ứng dụng trong mọi ấn phẩm nghệ thuật và thiết kế. Nếu trong nghệ thuật, màu sắc được dùng để truyền tải cảm xúc của người nghệ sĩ thì trong thiết kế, nó được dùng để “thao túng” và định hướng nhận thức của khách hàng về một sản phẩm hoặc một thương hiệu nào đó.

Là yếu tố đầu tiên mà mắt nhận biết và bao hàm những cảm xúc và ý nghĩa phức tạp, màu sắc được đưa vào thiết kế cần mang đúng tinh thần mà thương hiệu đang hướng tới. Để làm được điều này, việc biết và hiểu về tâm lý học màu sắc là vô cùng quan trọng. Mỗi màu sắc sẽ gắn với những cảm xúc và ý nghĩa khác nhau, những cảm xúc này xuất phát từ cảm nhận chung về những sự vật ta thấy và trải nghiệm. Để biết những cảm xúc, ý nghĩa đó là gì, chúng từ đâu mà tới, hãy cùng chúng tôi khám phá ý nghĩa đằng sau những màu sắc phổ biến nhất và những thương hiệu nào đang tận dụng triệt để chúng.

Tâm lý học màu sắc: Màu Đỏ

Màu đỏ là màu có bước sóng dài nhất trên quang phổ và thường được gắn với những tính từ rực rỡ, mãnh liệt. Là màu sắc mang lại cảm giác ấm áp, được nhiều người yêu thích vậy nên màu đỏ thường được dùng cho các thương hiệu đồ ăn, ví dụ như Coca-Cola, KFC, McDonald’s. Là màu sắc của tia lửa và ánh hoàng hôn nên nó cũng khơi gợi một năng lượng mạnh mẽ, được sử dụng làm nhận diện cho những thương hiệu thể thao như Ferrari F1 và Manchester United. Ngoài ra màu đỏ còn là màu của máu, nó tạo ra tính căng thẳng, gay gắt khiến người nhìn phải chú ý vậy nên được đặt làm màu mặc định cho biển báo cấm. 

Bởi sự chú ý, tình căng thẳng nên việc sử dụng màu đỏ trong UI cũng thường được dùng như màu chính để cảnh báo và thông báo xảy ra lỗi. Điều này cũng đồng nghĩa rằng việc sử dụng màu đỏ cho những phần khác của UI như nút nhấn hay chữ nên được tiết chế để tránh nhầm lẫn.

Tâm lý học màu sắc: Màu Cam

Màu cam tràn đầy năng lượng, nhưng không như màu đỏ mãnh liệt, gay gắt, năng lượng của màu cam mang tới thân thiện và tích cực hơn nên chúng ta thường thấy màu cam như một màu đại diện cho nhiệt huyết và sức trẻ. Bởi vậy những thương hiệu cho giới trẻ như Fanta, Soundcloud, JBL,.. đều lựa chọn màu cam để đại diện cho tinh thần thương hiệu. Ngoài ra, màu cam cũng mang tới sự năng động, tính chất thích hợp cho những ngành hàng có tính linh hoạt cao như vận chuyển, thương mại điện tử, ví dụ điển hình chúng ta có Shopee, Giao Hàng Nhanh, Alibaba,...

Màu cam là màu của nhiều loại củ quả, như cam, dứa, cà rốt, ớt chuông,... vậy nên màu này cũng mang tới một cảm giác tươi mới, đại diện cho sức khỏe. Nó thường được dùng cho sản phẩm thực phẩm chức năng, là nhận diện cho phòng gym, ứng dụng tập luyện.

Chính vì lý do này, màu cam là một màu sắc phù hợp cho việc đặt hàng online. Thêm nữa, màu cam thu hút ánh mắt người nhìn nhưng đồng thời không quá gay gắt giống như đang muốn áp đảo hay cảnh báo chúng ta. 

=> 10 nguyên tắc cốt lõi để có một thiết kế Website tốt

Tâm lý học màu sắc: Màu Vàng

Cũng tương tự như màu cam, màu vàng cũng là màu của rau củ vậy nên cũng thường được dùng cho những sản phẩm từ thiên nhiên, tốt cho sức khỏe. Và là màu của tia nắng, màu vàng cũng mang một năng lượng tích cực, tươi mới nhưng theo hướng nhẹ nhàng, dễ chịu chứ không hừng hực nhiệt huyết như màu cam. Màu vàng cũng có sự dễ thương nhưng sự dễ thương này không nữ tính mà phi giới tính. Chính sự dễ thương, thân thiện, tươi vui của màu vàng mà nó thường được thấy trong nhiều bao bì của đồ ăn, đặc biệt là snack, kẹo.

Màu vàng là màu của nụ cười và tia nắng. Nó mang lại cảm giác vui tươi, rực rỡ và lạc quan. Chính vì vậy việc sử dụng màu vàng trên trang web của bạn sẽ góp phần tăng cường sự lạc quan và tươi mới. Một màu vàng đậm chính là một màu nền tuyệt vời bởi nó có thể dâng cao cảm xúc của người nhìn một cách nhanh chóng.

Màu vàng là màu tiêu chuẩn cho các giấy note ghi chú và các lưu ý bởi màu sắc này gắn liền với sự năng động và hành động. Vì vậy, hãy sử dụng màu vàng để nhấn mạnh các ưu đãi và các sản phẩm miễn phí trên website của bạn. 

Tâm lý học màu sắc: Màu Xanh Lá 

Là màu của cây cối, màu xanh lá mang lại cảm giác thiên nhiên, an toàn, vậy nên nó là màu đại diện cho nhiều thương hiệu về sức khỏe, những sản phẩm thành phần từ thiên nhiên. Cũng như mầm cây, màu xanh lá cũng là biểu tượng cho sự non trẻ và hy vọng. Và bởi chứa đựng một nguồn năng lượng tươi mới, thân thiện, xanh lá rất được ưu chuộng sử dụng cho những công ty đại chúng, ví dụ như Spotify và Starbucks.

Tâm lý học về Màu Xanh Lá

Nếu như dự án của bạn về sức khỏe và thể hình, việc sử dụng màu xanh lá nhẹ nhàng với tông màu của thiên nhiên sẽ là một sự lựa chọn tuyệt vời để truyền tải thông điệp của dự án.

Màu xanh cũng mang nghĩa là “đi" trong biển báo đường vì vậy, màu xanh là là một màu thích hợp để áp dụng cho những nút ấn, những thông báo tích cực và những tin nhắn thành công. Ví dụ như khi người dùng đã nhập các thông tin chính xác, bạn có thể biểu thị bằng cách sử dụng màu xanh lá trong icon.  

Tâm lý học về màu sắc: Màu Xanh Dương

Xanh dương là màu của biển cả và bầu trời, mang đến cảm giác bình yên, thư giãn nên thường được các nền tảng mạng xã hội sử dụng, ví dụ như Facebook, Twitter, Skype. Và xanh dương luôn mang đến một sự an toàn, nếu xanh nhẹ sẽ là an toàn theo hướng bình yên và nếu xanh đậm sẽ là sự an toàn điềm tĩnh. Bởi tính chất đó, xanh dương thường được sử dụng cho những tổ chức cộng đồng như WHO, Human Rights Committee, cũng như là màu đại diện cho nhiều trường đại học, công ty an ninh.

Tâm lý học về Màu Xanh Dương

Thông thường, các công ty sức khỏe và vệ sinh sử dụng màu xanh để tăng cường sự tươi mát và sạch sẽ. Ngoài ra, màu xanh dương cũng là màu của sự tin tưởng và an ninh. Chính vì vậy, rất nhiều trường đại học đã sử dụng màu xanh trên các bằng chứng nhận và thêm nữa, có thể dễ dàng nhận thấy rằng hầu hết các cảnh sát đều mặc đồng phục màu xanh. 

Tâm lý học về màu sắc: Màu Tím

Tím vốn là màu được pha từ màu đỏ vậy nên tím cũng như hồng, có một sự dễ thương, nữ tính nhất định nhưng khác với hồng, sự nữ tính của màu tìm mang nét đằm thắm chứ không non nớt như hồng. Dù là một màu sang trọng, đằm thắm nhưng tím lại là một màu tương đối kén, ít người dùng. Tuy không được phổ biến nhưng chính điều ấy lại là lợi thế cho những thương hiệu cá tính muốn khác biệt, nhận mạnh nhận diện. Thay vì chen chân vào những màu an toàn, phổ thông như đỏ, xanh,...nơi đã có quá nhiều thương hiệu mang nó, thì sao lại không tìm đến một mảnh đất khác rộng dãi và thoải mái hơn. Ví dụ điển hình chúng ta có TP Bank, hay xa hơn là Yahoo! - ông hoàng internet một thời.

Tâm lý học về Màu Tím

Các công ty nổi tiếng như Hallmark và Yahoo đã sử dụng màu tím như màu thương hiệu của họ. Khi bạn truy cập vào website của hãng này, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy màu tím chính là màu chủ đạo. Đặc biệt, Hallmark đã sử dụng sắc tím trong logo và từ “navigation” ở trên top của mình trong khi Yahoo lại sử dụng nó cho các icons của mình, ví dụ như icon Mail.

Xem thêm: Đánh giá một Website du lịch đẹp và ấn tượng

Tâm lý học về màu sắc: Màu Hồng

Nếu màu đỏ được giảm độ bão hòa, ta sẽ có màu hồng. Dù bản chất màu hồng chính là màu đỏ nhưng cảm giác của màu hồng đem lại lại hoàn toàn khác biệt. Nếu màu đỏ cho chúng ta cảm giác mãnh liệt thì màu hồng lại cho cảm giác mơ mộng, dễ thương. Bởi sự dễ thương ấy mà màu hồng là màu sắc mặc định dành cho bé gái, hầu hết các sản phẩm đồ chơi, quần áo, phụ kiện dành cho bé gái thường có màu hồng.

Đối với đối tượng trưởng thành, màu hồng tuy ít phổ biến hơn nhưng vẫn mang thiên hướng dành cho nữ giới. Chính vì vậy, màu hồng vẫn luôn là lựa chọn an toàn nếu thương hiệu cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho phụ nữ, một số ví dụ điểm hình có thể kể đến như hãng mỹ phẩm Benefit, hãng đồ lót Victoria Secret.
 

Tâm lý học về Màu Hồng

Còn nếu nội dung của bạn theo hướng vui vẻ, màu hồng sẽ là một sự lựa chọn tuyệt vời cho các nút ấn, đặc biệt khi nó được đặt ở một tông nền tối, bởi sự tương phản của 2 màu sắc sẽ tạo nên sự nổi bật cho chúng. Một màu hồng rực có thể mang lại một cảm giác tươi mới và thu hút mọi ánh nhìn, trong khi đó, một màu hồng dịu sẽ mang lại cảm giác dễ chịu và thoải mái cho người nhìn.

Tâm lý học về màu sắc: Màu Trắng

Về bản chất màu trằng không phải là màu bởi chúng không có hòa sắc. Màu trắng mang tới cảm giác điềm tĩnh, khiêm tốn vậy nên thường được sử dụng nhiều trong phong cách thiết kế tối giản. Kèm theo đó, màu trắng cũng đại diện cho sự sang trọng, nghiêm túc, thường được thấy trong những không gian đặc biệt như bảo tàng, phòng triển lãm, bệnh viện,...

Tâm lý học về Màu Trắng

Tuy màu trắng không tạo ra những hiệu ứng thị giác mạnh mẽ như những màu khác nhưng việc hiểu và linh hoạt trong việc sử dụng nó lại rất quan trọng trong thiết kế. Sự tiết chế mà nó mang lại là công cụ thiết yếu cho nhà thiết kế nhằm cân bằng thị giác khi dùng những màu rực rỡ. Trong một thiết kế, màu trắng cũng thường là khoảng trắng (white space) nơi nghỉ cho mắt, tối đa hóa khả năng biểu hiện cho các màu sắc và yếu tố khác. 

Tâm lý học về màu sắc: Màu Đen

Cũng như màu trắng, màu đen cũng không có hòa sắc và không được coi là màu, cũng mang tới cảm giác sang trọng, nghiêm túc và thường được dùng như là khoảng nghỉ cho mắt. Nhưng khác với màu trắng, thay vì sự sạch sẽ, tinh gọn thì màu đen mang tới cảm giác trầm lắng, bí ẩn. Nếu màu trắng cho ta cảm giác rằng nơi đó không có gì thì màu đen sẽ là cảm giác không biết nơi đó có gì. Chính vì sự bí ẩn, huyền bí của màu đen mà nó cũng mang tới một sự kiêu kỳ, thượng lưu và được ứng dụng cho nhiều sản phẩm cao cấp như xe hơi, sản phẩm công nghệ, thời trang,...

Những thương hiệu như Sony, Beats và Samsung thường sử dụng màu đen trong các sản phẩm của họ bởi đen là một màu cổ điển, chính vì vậy mày sắc này sẽ không bao giờ bị lạc hậu với thời gian và phong cách. Chính vì lý do này, các công ty công nghệ thường sử dụng màu đen trong các thiết kế sản phẩm để tránh sự lỗi thời so với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ như hiện nay.

Dưới con mắt khoa học, đen không phải màu sắc, mà nó là “sự vô diện của ánh sáng” – vì vậy đôi khi màu sắc này còn bị liên tưởng đến sự chết chóc. Hiểu được điều này, người thiết kế cần tránh sử dụng màu đen để nhằm nổi bật các đối tượng – các nút nhấn cơ bản và các yếu tố ưu đãi, quảng cáo cần một màu tươi sáng để nhấn mạnh. Vậy nên, màu đen là một sự lựa chọn tuyệt vời nếu được sử dụng trong nhiếp ảnh hay màu nền cho các phần khác nhau của một sản phẩm.

Chọn tông màu phù hợp

Mặc cho xám đậm hay xám nhạt, khi bạn trộn màu sắc bất kỳ với màu ghi, tông màu và cường độ của màu sắc đó sẽ thay đổi. Tông màu có thể là một loại ‘tint’ (một loại màu có rất nhiều sắc trắng và xám nhạt) hoặc một loại ‘shade’ (khi bạn trộn thêm rất nhiều màu xám đậm hoặc đen cho một màu sắc thuần khiết) 

Chọn tông màu cụ thể cho một màu sắc nhất định góp phần truyền tải được và chất lượng của thương hiệu theo cách mà công ty muốn được nhìn nhận bởi khách hàng của họ. Những màu sắc rực rỡ của Google, Ebay và Slack mang lại một cảm giác trẻ trung, hào hứng và tràn đầy năng lượng. Trong khi đó những công ty như Tim Hortons, Jameson Whiskey và Levi lại sử dụng những tông màu trầm bởi đó là những thương hiệu nhắm đến những khách hàng trưởng thành và chững chạc hơn.

Kết

Trong màu sắc chúng ta có hòa sắc, có bão hòa và sắc độ, mỗi một yếu tố thay đổi màu cũng sẽ thay đổi từ đó cảm quan về màu cũng thay đổi. Chính bởi vậy, màu sắc là một chủ đề phức tạp mà giới hạn một bài viết không thể trình bày hết, những phần khác cụ thể hơn về từng màu sắc, về cách kết hợp màu sắc xin hẹn bạn đọc ở những bài viết khác. Trong giới hạn bài viết này, chúng tôi đã trình bày những tâm lý cơ bản nhất của mỗi màu sắc, mong nó sẽ là những kiến thức giúp ích cho bạn đọc hiểu hơn về màu sắc, từ đó phát triển trực giác thiết kế, để sản phẩm thiết kế của bản thân có thể truyền tải được những cảm xúc đúng nhất.

Đăng ký
nhận tin tức.