Thiết kế đồ hoạ: Cần Bao Nhiêu Cái Wow Cho Một Thiết Kế?
Thiết kế đồ hoạ có cần WOW?
Thiết kế đồ họa nhiều khi được hiểu như một mỹ từ mà ở đó những người được-coi-là-có-gu sáng tạo ra những hình ảnh đầy ấn tượng, khiến người khác nhìn ngắm một cách say mê và phải thốt lên một chữ “wow”. Một ngành nghề đang phát triển, đang sản xuất ra hàng triệu hình ảnh mỗi ngày với sự đa dạng về hình thái và màu sắc được trải khắp mọi nơi thì việc hiểu và kỳ vọng nó như một sự phô trương, luôn cố gắng để thu hút người nhìn là điều dễ hiểu.
Tâm lý này không chỉ tồn tại trong tâm trí người thưởng thức mà nó còn là tâm lý của một nhóm không nhỏ những người làm nghề. Bước vào nghề, nhiều designer mong muốn tạo ra những sản phẩm thật ấn tượng, thật thu hút để mỗi khi showcase sẽ là hàng loạt những lượt like, lượt share ập tới, đi kèm là những từ cảm thán, khâm phục - “wow”.
Cái đẹp luôn có sức mạnh của riêng mình. Nó không cần cất tiếng, không cần chứng minh vì chính nó đã đủ thuyết phục. Đâu có trái tim nào là không rung động, đâu có con mắt nào là không sững sờ khi đứng trước cái đẹp?! Một cái nhìn có thể thay thế cho bao lời lẽ nên cái đẹp và ấn tượng dường như là con đường ngắn và dễ nhất để thuyết phục một con người. Thế nhưng khi đã nhìn ngắm thỏa thích, khi tiếng wow đã tắt thì mọi sự sẽ đi về đâu?
Một thiết kế đẹp, ấn tượng có thể chứng minh bạn là một designer có thẩm mỹ nhưng nó lại không thể chứng minh bạn là một designer có tư duy. Và nếu những thán từ như “đẹp - cool - nghệ” là mục tiêu thì có chăng bạn đang gắn quá nhiều cái tôi lên sản phẩm?! Trong một hỗn hợp chứa đầy cái tôi và cảm tính như vậy thì những yếu tố như tư duy, tính hiệu quả hay câu chuyện của doanh nghiệp sẽ nằm ở đâu?
Xem thêm: 11 Nguyên tắc thiết kế web sẽ tăng tỷ lệ chuyển đổi của bạn
Tại sao lại là thiết kế đồ hoạ dành cho doanh nghiệp?
Từ những năm đầu của thế kỷ trước khi ngành graphic design - thiết kế đồ hoạ mới ra đời, đây luôn là một ngành nghề phục vụ cho doanh nghiệp, tạo ra những hình ảnh nhằm cung cấp thông tin, quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng. Một sản phẩm thiết kế đồ họa được sinh ra trong một doanh nghiệp, được truyền đi với thông điệp của doanh nghiệp ấy, tiếp cận người tiêu dùng cũng của chính doanh nghiệp ấy. Chính vì thế, một logo hay một poster không sinh ra chỉ để đẹp mà là là để nhận diện và giao tiếp với khách hàng.
Tới thời điểm hiện tại, mục đích của thiết kế vẫn không hề thay đổi mà ngày càng được khẳng định rõ ràng hơn. Trong một thị trường ngày càng cạnh tranh, người tiêu dùng ngày càng có nhiều lựa chọn thì việc lắng nghe, giao tiếp và gia tăng nhận diện với khách hàng là một việc thiết yếu. Đặc biệt, trong bối cảnh internet đang bùng nổ, tốc độ sản xuất và đào thải nội dung nhanh hơn bao giờ hết, việc thương hiệu có một chiến lược hình ảnh với mục tiêu rõ ràng rất quan trọng cho việc nhắc nhở và giữ chân khách hàng.
Nếu nhìn vào bức tranh toàn cảnh của việc xây dựng thương hiệu, một thương hiệu cần phải có những tính cách, những niềm tin và định hướng tương lai như một con người. Khi đã xác định được những niềm tin, tính cách rõ ràng thì chiến lược thương hiệu bao gồm cả hình ảnh lẫn thông điệp đều phải đi theo những tinh thần ấy. Nếu thông điệp là giọng nói của thương hiệu, cần phải có một tông giọng phù hợp thì hình ảnh cũng tương tự, hình ảnh sẽ là gương mặt, là bộ quần áo của thương hiệu và cũng cần được chọn lựa cẩn thận để thể hiện được đúng tinh thần của thương hiệu ấy.
Nói tới đây, sẽ phải đặt câu hỏi rằng, lựa chọn một bộ quần áo phù hợp là quan trọng nhưng bộ quần áo ấy chẳng phải vẫn nên đẹp, ấn tượng khi đứng trước khách hàng hay sao?! Vậy yếu tố đẹp và ấn tượng ấy sẽ nằm ở đâu trong thiết kế, trong hành trình của Graphic Designer chúng ta?
Tiêu chuẩn và mục tiêu trong thiết kế đồ hoạ
Đẹp và ấn tượng là tốt nhưng những yếu tố này cần được đánh giá trên tiêu chuẩn nào? Chiến lược và định hướng của thương hiệu và doanh nghiệp sẽ là mục tiêu cho thiết kế, nhưng nếu xét đẹp là một mục tiêu thì lại không hợp lý.
Bởi lẽ, đẹp là một tiêu chuẩn cảm tính, hoàn toàn có thể biến đổi dựa vào giới tính, độ tuổi và văn hóa. Một sản phẩm có thể được coi là đẹp với một nhóm người này nhưng cũng hoàn toàn có thể là xấu đối với một nhóm người khác. Vậy nên, đừng lấy đẹp là mục tiêu, đây chính xác nên là một tiêu chuẩn về hình thức với rất nhiều biến số đi kèm.
=> Kiểm soát thiết kế của bạn với góc nhìn trục Z trong thiết kế phẳng
Một thiết kế đồ hoạ đẹp, từ đó, rõ ràng không phải là một thiết kế dựa trên thẩm mỹ của một graphic designer hay một chủ doanh nghiệp, mà cần dựa trên tiêu chuẩn thẩm mỹ của tệp khách hàng mục tiêu mà doanh nghiệp ấy đang hướng tới.
Thiết kế đồ hoạ không chỉ là thiết kế
Việc nghiên cứu về khách hàng luôn là bước quan trọng trước khi bắt đầu thiết kế đồ hoạ, bỏ qua bước này, việc thiết kế sẽ đi vào một mê cung không lối thoát và nếu có thoát được, chắc chắn đó cũng không phải lối thoát an toàn.
Năm 2009, Tropicana - một thương hiệu của PepsiCo cho ra mắt thiết kế bao bì mới cho sản phẩm nước cam bán chạy của mình. Với logo mới, bảng màu mới và style thiết kế giản lược, Tropicana tốn 35 triệu đô cho thiết kế và chạy chiến dịch nhưng kết quả đem lại là một cuộc khủng hoảng thương hiệu kèm theo giảm 20% doanh số khiến Tropicana mất thêm 30 triệu đô nữa.
Bao bì trước và sau khi thiết kế lại của Tropicana
Cố gắng thay đổi hình ảnh với một phong cách hiện đại hơn nhưng Tropicana lại xem nhẹ việc giao tiếp bằng hình ảnh, đưa ra thị trường một thiết kế thách thức người dùng. Bán nước cam nên đưa hình ảnh nước cam lên bao bì, nghe thì hợp lý nhưng nó lại là con đường vòng cho việc nhận biết sản phẩm. Với bối cảnh mua hàng tại siêu thị, sản phẩm được đặt cùng nhiều thương hiệu cạnh tranh thì việc chọn một thương hiệu khác sẽ nhanh hơn so với việc đứng phân tích hình ảnh hay tìm lại sản phẩm bao bì trái cam quen thuộc.
Những câu chuyện về thiết kế đi sai hướng làm ảnh hưởng tới thương hiệu đã không còn là câu chuyện mới và thị phần trên thị trường sẽ là con số nhân cho những thất bại ấy, thương hiệu càng lớn thì thiệt hại càng cao. Nếu Tropicana mất 65 triệu đô cho một thiết kế bao thì năm 2006, thì Mastercard cũng mất 1,5 triệu đô cho một logo mới nhưng vẫn phải dùng lại logo cũ do thiết kế mới quá tệ. Hay như năm 2010 khi Gap công bố thay đổi logo cũng đã nhận lại một làn sóng chỉ trích khiến logo mới với ước tính chi phí khoảng 100 triệu đô bị gỡ xuống sau chỉ 6 ngày sử dụng.
Thực tế đã chứng minh, thiết kế không chỉ ảnh hưởng tới cảm tình của khách hàng với thương hiệu mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu, lợi nhuận của chính thương hiệu ấy. Thiết kế đồ họa không chỉ làm về kỹ thuật hay thẩm mỹ mà ẩn sau còn là nghiên cứu và tư duy. Vai trò của thiết kế nên được hiểu đúng, designer nên được làm đúng cũng như được tiếp cận tới những thông tin về thị trường, khách hàng, đối thủ,.. để sản phẩm thiết kế khi đưa ra thị trường không chỉ có giá trị về thẩm mỹ mà còn có giá trị tư duy, chiến lược cũng như đem lại lợi ích cho doanh nghiệp.
Xem thêm: Tận Dụng Các Mô Hình Nhận Thức Vào Sản Phẩm Thiết Kế p1 ; Tận Dụng Các Mô Hình Nhận Thức Vào Thiết Kế Sản Phẩm p2