Hệ sinh thái số sẽ là cuộc chơi lớn tại Việt Nam trong thời gian tới
Trong thập kỷ tới, đây có lẽ sẽ là bối cảnh chung của Việt Nam, khi ngày càng nhiều công ty mở rộng mô hình kinh doanh không chỉ với những công ty cùng ngành, mà còn cả với các hệ sinh thái khác.
Năm 2014, VNG trở thành kỳ lân đầu tiên của Việt Nam. Mặc dù ban đầu là một thương hiệu trò chơi, VNG nhanh chóng mở rộng ra ứng dụng nhắn tin như Zalo và các khoản đầu tư khác vào thương mại điện tử (Tiki), hay thanh toán (ZaloPay).
Từ đó, các công ty như VNG, bao gồm Grab, SEA, và One Mount Group được coi là những nhà cung cấp hệ sinh thái số - không thể được xác định hoặc hạn chế bởi một ngành duy nhất.
Trong thập kỷ tới, đây có lẽ sẽ là bối cảnh chung của Việt Nam, khi ngày càng nhiều công ty mở rộng mô hình kinh doanh không chỉ với những công ty cùng ngành, mà còn cả với các hệ sinh thái khác.
Cách hệ sinh thái tác động lên nền kinh tế Việt Nam
Các hệ sinh thái biến những sự kết hợp thành kết quả bất ngờ. Trước đây, các doanh nghiệp phải đối mặt với sự lựa chọn giữa cung cấp sản phẩm dịch vụ đắt tiền với mức tồn kho cao; hoặc các sản phẩm dịch vụ rẻ hơn và lượng hàng tồn kho ít hơn. Nhưng hệ sinh thái có thể khắc phục tất cả những điều này.
Theo dự đoán của McKinsey, 12 hệ sinh thái lớn sẽ được thiết lập tại Việt Nam vào năm 2025, tạo thành nguồn doanh thu khoảng 2.400 nghìn tỷ đồng Việt Nam hoặc tương đương 100 tỷ USD.
Các yếu tố sau sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng này:
- Hệ sinh thái giảm chi phí thu hút khách hàng qua đa dạng sản phẩm dịch vụ
- Hệ sinh thái tạo ra giá trị cho doanh nghiệp và khách hàng thông qua phân tích dữ liệu lớn
- Hệ sinh thái củng cố mối quan hệ khách hàng và tăng cường khả năng giữ chân.
- Hệ sinh thái mang lại lợi ích định giá, thu hút đầu tư, và giúp duy trì khả năng cạnh tranh.
Đọc thêm: Hệ sinh thái số - Digital ecosystem: Khai phá tiềm năng của doanh nghiệp bằng sự kết nối
Sự phát triển của các hệ sinh thái còn nhiều khó khăn.
Tuy đã có những người chơi tham vọng như One Mount với hệ sinh thái chuỗi cung ứng, hay Viettel với hệ sinh thái sản phẩm công nghệ cả cá nhân lẫn doanh nghiệp, kích thước thị trường này tại Việt Nam vẫn là quá nhỏ khi so với với những nước phát triển. Mức doanh thu từ hệ sinh thái số với Trung Quốc được ước tính là 2.486 tỉ đô (Việt Nam là 4 tỉ đô).
Bên cạnh đó, bối cảnh tại Việt Nam vẫn phân mảnh và đợi chờ kẻ dẫn đầu. Một hệ sinh thái thường bắt đầu với eCommerce, mạng xã hội, hoặc dịch vụ tài chính, nhưng sự phân mảnh khiến khó có doanh nghiệp nào đủ khả năng đầu tư vào tất cả các mảng để đạt được sự thành công lâu dài.
Bên cạnh đó, khả năng đạt lợi nhuận cũng giảm đi khi ngày càng nhiều người chơi mới cố gắng thu hút người dùng cũng như đầu tư bổ sung. Hành trình trở thành kẻ dẫn đầu luôn chông gai, và không chắc ta sẽ còn thấy tất cả hệ sinh thái số “lành lặn” sau vài năm nữa.
Đọc thêm: Casestudy: Thiết kế giải pháp tiếp cận khách hàng với hệ sinh thái API
Cách để thiết kế hệ sinh thái số vươn tầm tại Việt Nam
Triển khai các hệ sinh thái sẽ yêu cầu sự điều chỉnh trong chiến lược kinh doanh. 5 nguyên tắc sau sẽ hỗ trợ các nhà lãnh đạo trong quá trình chuyển đổi này.
Tư duy hệ sinh thái
Đầu tiên, các công ty cần mở rộng tầm nhìn về các đối thủ cạnh tranh và cơ hội, áp dụng lăng kính đa ngành để xác định nơi sự thay đổi sẽ diễn ra nhanh nhất. Hai câu hỏi chính cần đặt ra là:
- Những yếu tố đột phá nào có thể xuất hiện? Cách vượt qua các đối thủ? Những tài sản và nguồn lực cần có là gì?
- Làm cách nào để chuyển tài sản và mối quan hệ khách hàng thành những lợi thế cạnh tranh trên thị trường, kể cả với những người khổng lồ trên thế giới?
Mối quan hệ cảm xúc với khách hàng
Bằng cách xây dựng kết nối cảm xúc với khách hàng, doanh nghiệp có thể chiếm lĩnh không gian trong các hệ sinh thái quan trọng. Ví dụ, Google và Alibaba vốn đã có lượng khách hàng hiện hữu lớn, nhưng vẫn đưa ra những sản phẩm mới như điện thoại Pixel hay Alipay để mở rộng phân khúc người dùng.
Mô hình hoạt động linh hoạt
Trong thế giới hệ sinh thái, nơi ranh giới ngành thay đổi nhanh chóng và phân tích dữ liệu trở thành lợi thế cạnh tranh cốt lõi, các công ty cũng sẽ cần thu hút nhân tài phù hợp để phát triển các mô hình làm việc linh hoạt cho sự đổi mới nhanh chóng.
Tại bối cảnh Việt Nam, nơi mà nhân sự chất lượng cao còn khan hiếm, không chỉ quy trình tuyển dụng mà ngay cả hệ thống quản lý nhân sự cũng cần nâng cấp. Một mạng xã hội doanh nghiệp công phu hơn sẽ cần hình thành, giúp tuyển dụng, huấn luyện, và đảm bảo sự hợp tác đa nền tảng.
Mô hình hợp tác đa dạng
Nhiều ngân hàng toàn cầu đã và đang hợp tác với các công ty dịch vụ đời sống để tạo nền tảng tài chính cho mọi nhu cầu, từ đặt xe, mua vé xem phim, hay thậm chí là mua nhà. Đó chính là cách để hệ sinh thái có thể tiếp cận các khoảng trống trên thị trường, nhờ các đối tác có chung lợi ích.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo cũng sẽ cần cân nhắc xây dựng hạ tầng để có sự hợp tác hiệu quả, cũng như liên tục trao đổi dữ liệu, ý tưởng, và dịch vụ để tiếp tục đổi mới.
Đọc thêm: Hợp tác với Agency: Câu chuyện về những khách hàng thích hoài nghi
Chiến lược khác biệt và liên tục điều chỉnh
Thời gian không có nhiều, và bất kỳ doanh nghiệp nào theo đuổi xây dựng hệ sinh thái cũng cần nhanh chóng đưa ra lựa chọn, dù là với cách phòng thủ như hiện đại hoá và hợp tác, hay là với cách tấn công như chủ động tham gia và xây dựng một hệ sinh thái mới.
Không phải tổ chức nào cũng sẽ đủ tiềm lực để xây dựng hệ sinh thái, do yêu cầu về lượng khách hàng là rất lớn. Vì lẽ này, nhà lãnh đạo sẽ cần hiểu rõ về giá trị công ty trên thị trường, cũng như rủi ro và nội lực để có chiến lược phù hợp khi tiếp cận hệ sinh thái số.
Thế giới đang đổi thay liên tục, và những công ty truyền thống sẽ là đối tượng đầu tiên cảm nhận được sự biến chuyển của giá trị doanh nghiệp có thể mang lại. Nhưng với chiến lược đúng và sự thấu hiểu về tiềm lực, các lãnh đạo hoàn toàn có thể tìm thấy cơ hội gây dựng nên một hệ sinh thái số thành công, thu hút khách hàng từ vô vàn các kênh khác nhau.