Skip to main content
Thông tin
Dịch vụ
  • Số điện thoại

    (+84) 97 531 9889

    (+84) 86 929 1771

  • Email

    infor@beau.vn

  • Văn phòng đại diện

    Tầng 5, 33 Giang Văn Minh, Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội

Cách thương hiệu ứng dụng màu sắc trong thiết kế nhận diện

01 Apr, 2022 /
Cảm hứng thiết kế sáng tạo
Cách thương hiệu ứng dụng màu sắc trong thiết kế nhận diện

Màu sắc đóng vai trò gì với thương hiệu ngày nay, ứng dụng màu sắc trong thiết kế hoạt động như thế nào? Sau đây là 10 ý tưởng đáng lưu tâm về chúng.

Các thương hiệu trong mọi ngành hàng đều chọn cho mình những màu sắc cụ thể đại diện cho thương hiệu của họ. Dù chuyện ứng dụng màu sắc trong thiết kế vào nhận diện thương hiệu không có gì mới, nhưng với làn sóng chuyển đổi số cũng đã cho thương hiệu ứng dụng chúng với nhiều sắc thái hơn, đi cùng những chiến lược và đa dạng kết nối với khách hàng, cho họ thấy một thương hiệu riêng biệt và chân thật hơn.

Vậy màu sắc đóng vai trò gì với thương hiệu ngày nay, ứng dụng màu sắc trong thiết kế hoạt động như thế nào? Sau đây là 10 ý tưởng đáng lưu tâm về chúng.

Xem thêm: Thiết kế Logo: Màu sắc nói lên điều gì về Thương hiệu của bạn?

Xây dựng đặc tính thương hiệu qua ứng dụng màu sắc trong thiết kế

Kết hợp màu sắc thương hiệu với đặc tính thương hiệu mang lại nền tảng cho tính sở hữu, mối liên kết và hình dung về thương hiệu. Ngay từ những ngày đầu, Apple đối đầu với những gã khổng lồ màu xanh là HP và IBM, bằng cách tạo ra con đường riêng cho mình. Dù Apple đã ứng dụng và định hình xu hướng màu sắc qua sản phẩm và quảng cáo qua nhiều năm, nhưng hiện họ đã chuyển hướng cho màu sắc thương hiệu sang tối giản. Điều này cho Apple sự linh hoạt lớn với xu hướng thiết kế, phù hợp với nhiều mảng ngành, nhiều văn hóa và phong trào khác nhau. Với phong cách tối giản, chú trọng chất liệu, Apple đại diện cho sự chắt lọc, tinh túy.
 

ung dung mau sac trong thiet ke nhan dien

 

Nhìn xa hơn một chiếc logo khi ứng dụng màu sắc trong thiết kế nhận diện thương hiệu

Đừng nhầm lẫn màu sắc logo với màu sắc thương hiệu. Màu xanh của Tiffany & Co là một trong những màu có tính nhận diện cao nhất thế giới. Thế nhưng logo của nó chỉ là một typeface serif, một dòng chữ Tiffany & Co màu đen. Tương tự, màu sắc ấy không cần phải phủ kín của hàng Tiffany, chúng chỉ cần được đặt đúng chỗ. Và với The New Yorker, với tiêu đề báo màu đen, tiêu đề lại nằm thoải mái trên những hình minh họa sống động - điều làm nên nét đặc trưng cho tờ báo.
 

ung dung mau sac trong thiet ke nhan dien

Nghĩ sâu hơn về ứng dụng màu sắc trong thiết kế

Hãy gạt sở thích cá nhân sang một bên, suy nghĩ về những gì bạn muốn khách hàng của mình cảm nhận. Trong thiết kế nhận diện thương hiệu, có nhiều quyết định dựa trên thành kiến và sở thích của đội ngũ lãnh đạo. Nhưng đó là một sai lầm, bởi nó là một quyết định phức tạp. Quyết định ấy nên được dựa trên những khám phá về nhân chủng học, qua những trải nghiệm thực tế, chứ không phải qua con mắt của bất cứ cá nhân nào.

Tạo nên điểm nhấn bằng màu

Đừng nhầm lẫn một công ty tốt với một bao bì đẹp. Khi đi mua sắm, mọi người kỳ vọng lon Coca của họ có màu đỏ và chai trà 0 độ sẽ có màu xanh. Màu sắc trong trường hợp này là dấu hiệu cho người mua hàng. Nhưng với một công ty, việc đóng gói, dán nhãn không dễ dàng như vậy. Với nguyên liệu phức tạp gồm: tên, con người, ý tưởng, sản phẩm và dịch vụ, họ luôn thay đổi. Phương pháp tiếp cận đa dạng màu sắc của IBM giúp công ty nhìn mới mẻ và sáng tạo hơn, giúp sự giao tiếp với khách hàng mang tính “người” hơn.

Xem thêm: Giá trị thương hiệu: Khi thành công thiết kế cần mang tính “người”

Cân bằng tính thực tế và cái mới

Thương hiệu Target duy trì tính tập trung cho màu sắc thương hiệu của mình là màu đỏ. Nhưng dù chỉ với một màu duy nhất, nhận diện của họ vẫn mang tính sáng tạo cao, liên kết chặt với hình học, pattern, âm nhạc, sự hài hước để giữ màu đỏ của họ luôn tươi mới. Target cũng rất ý thức về ranh giới màu sắc của mình, đã sử dụng bảng màu rực rỡ, đa dạng cho thương hiệu con Up & Up.

Là chính mình

Nhiều thương hiệu màu đỏ lo lắng rằng màu sắc thương hiệu của họ có thể gợi những cảm xúc tiêu cực liên quan tới văn hóa, tín ngưỡng. Tất nhiên, chúng ta không nên cố gắng vẫy gọi khách hàng trong những thời điểm nhạy cảm, thương hiệu nên cẩn thận để tất cả những gì về thương hiệu được gắn với những trải nghiệm tốt đẹp, và chú ý đặc biệt tới ứng dụng màu sắc trong thiết kế. Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng luôn tự điều chỉnh quan điểm và cảm xúc về màu sắc dưới tác động từ các thương hiệu. Đúng là màu đỏ mang ý dừng lại, nhưng đây cũng là màu của đội bóng được yêu thích hàng đầu thế giới (Manchester United). Màu đỏ là một màu năng động, biểu tượng cho năng lượng và niềm vui, là những điều nên được nhìn nhận.

Yếu tố bổ trợ khi ứng dụng màu sắc trong thiết kế

Khi xây dựng một thương hiệu, điều quan trọng là hiểu vai trò của mỗi công cụ trong hộp công cụ thương hiệu (Brand Toolkit). Màu sắc có thể trở thành một công cụ cực kỳ hữu ích, nhưng tên, hình ảnh và các yếu tố đồ họa khác cũng cung cấp nhiều cách để thiết lập và duy trì mức độ nhận diện cao cho thương hiệu. Ví dụ, Coca-Cola được nhận diện trên toàn cầu với màu đỏ. Nhưng bên cạnh đó, Coca-Cola cũng có một logo đặc biệt, chai của họ cũng có hình dạng độc đáo, các họa tiết đi kèm, thể hiện các khía cạnh khác của thương hiệu.

ung dung mau sac trong thiet ke nhan dien

Tư duy kỹ thuật số

Thương hiệu cần xem xét màu sắc của mình khi chuyển từ thế giới vật chất sang thế giới kỹ thuật số và ngược lại. Màu sắc thay đổi theo chất liệu, khối lượng và ánh sáng. Màu sắc thương hiệu khi chuyển từ hai kênh này có thể bị tác động và biến đổi cảm nhận về chúng. Để duy trì tính nhất quán, thương hiệu cần cân nhắc kỹ lưỡng việc sử dụng màu nào, ở đâu, với chất liệu gì,...

Dám khác biệt

Nhiều thương hiệu táo bạo đã sử dụng những màu sắc thách thức mọi lý thuyết thị giác, nhằm đánh dấu lãnh thổ, quyền sở hữu của mình. Ví dụ như Mountain Dew với màu xanh lá không liên quan gì tới thức uống có ga, hay T-Mobile thách thức mong đợi thường thấy về một hãng viễn thông với một màu hồng rất tươi. Trong những trường hợp này, màu sắc đóng vai trò như một chất xúc tác khiến các công ty khác hiểu rằng những màu đỏ, xanh an toàn không còn là lựa chọn duy nhất.

Bán khoảng trống

Tôi đã từng có một khách hàng nhắc tôi rằng anh ấy không trả tiền cho khoảng trống trong mỗi lần tôi thiết kế cho anh ấy. Dù điều này vẫn được nhìn thấy trên các tờ rơi quảng cáo giảm giá vò nhàu nhĩ trong các thùng rác công cộng, nhưng phần lớn các thiết kế ngày nay là một hệ thống logic với khoảng trống hợp lý. Và dù là trên giấy hay màn hình, khoảng trống sẽ dẫn hướng người dùng tới những lời kêu gọi hành động (call to action) “play”, “buy” hay “learn more”.

Xem thêm: Xanh, Đỏ và Câu chuyện Ứng dụng màu sắc trong Thiết kế UI

Chọn màu sắc thương hiệu có thể mang nặng tính cảm xúc, hay thậm chí có thể coi là bài tập về tâm lý. Cho dù là mục đích bán hàng hay truyền tải cảm xúc, màu sắc vẫn là phần quan trọng của một chiến lược thương hiệu toàn diện. Ứng dụng màu sắc trong thiết kế là cốt yếu và nó có ý nghĩa của riêng nó. Màu sắc không thể thay thế sản phẩm hay trải nghiệm khách hàng, nhưng nó có thể cho thương hiệu hiện diện một rõ ràng nhất.

Đăng ký
nhận tin tức.