Tính năng ngân hàng độc đáo tại Châu Á đem đến trải nghiệm hiện đại
Lượng người tiêu dùng ở Châu Á sử dụng digital banking đã lên đến hơn 90%, đem đến sự bùng nổ nhu cầu về các tính năng ngân hàng số hiện đại.
Từ trước đến nay, hầu hết thời gian các nước phương Tây đều dẫn trước trong cuộc đua phát triển ngân hàng hiện đại - dù là về quy mô, tốc độ tăng trưởng, hay sự đổi mới công nghệ. Nhưng cán cân đang dần đổi chiều, khi mà các ngân hàng Châu Á cho thấy sự tiến bộ vượt bậc trong kỷ nguyên số.
Lượng người tiêu dùng ở Châu Á sử dụng digital banking đã lên đến hơn 90%, đem đến sự bùng nổ nhu cầu về các tính năng ngân hàng số. Những tổ chức nhanh chân sẽ có thể dẫn đầu thị trường như WeBank, trong khi những giải pháp mới lại thu hút người dùng như với IndusInd.
Trong bài viết này, hãy cùng khám phá các tính năng độc đáo mà các ngân hàng Châu Á cung cấp cho khách hàng, và xem liệu ta có thể kỳ vọng gì trong sự biến chuyển ở khu vực này những năm tới.
Sự trỗi dậy của các ngân hàng Châu Á
Mối quan hệ giữa Đông và Tây đang thay đổi nhanh chóng khi các thị trường mới nổi ở châu Á đã trở thành động lực tăng trưởng chính của tài chính toàn cầu. Gần nửa số ngân hàng lớn nhất thế giới thuộc châu Á và chiếm khoảng 50% vốn hóa thị trường toàn cầu.
Trung Quốc rõ ràng là quốc gia dẫn đầu, với tỉ lệ thanh toán số chiếm tới 99% lượng giao dịch trong nước và 45% lượng thanh toán số toàn cầu. Các giải pháp fintech như Alipay và WeChat Pay cũng ra mắt ứng dụng ngân hàng số của riêng mình như MYbank hoặc WeBank để đáp ứng thị trường tỷ dân.
Trải dài khắp Châu Á, các ngân hàng truyền thống cũng ra mắt digital banking, như KaKao Bank ở Hàn Quốc, DBS digibank ở Indonesia, YONO tại Ấn Độ, hay như Timo tại Việt Nam.
Không dừng lại ở đó, các ngân hàng còn hướng tới cung cấp hệ sinh thái số để đáp ứng mọi nhu cầu tài chính của khách hàng. Ping An, một trong những tập đoàn tài chính lớn nhất Trung Quốc, đã tự đổi mới thành một công ty hệ sinh thái, cung cấp các khoản vay, đầu tư, cũng như bảo hiểm để chăm sóc sức khỏe, nhà ở, v.v.
Đọc thêm: Hiện đại hoá Trải nghiệm tự phục vụ trong các sản phẩm số ngành Ngân hàng
Các thay đổi được thúc đẩy bởi nhu cầu của người dùng
Thời kỳ đại dịch đã tạo điều kiện để khách hàng yêu cầu tất cả dịch vụ ngân hàng được chuyển đổi số, đặc biệt là thông qua điện thoại thông minh. Ngay cả ở các khu vực đang phát triển như Đông Nam Á, các tính năng hiện đại như xác thực sinh trắc học, cung cấp dịch vụ dựa trên thuật toán, hay mở tài khoản không cần giấy tờ đã trở thành tiêu chuẩn. Giờ đây, chỉ với điện thoại, người dùng có thể mở tài khoản, chuyển tiền, và xin tín dụng qua các neobank như Timo ở Việt Nam hay Tonik ở Philippines.
Các ngân hàng còn đang xây dựng nền tảng kỹ thuật số để tích hợp dịch vụ tài chính vào hoạt động hàng ngày của người tiêu dùng và doanh nghiệp SME. Ví dụ: Ngân hàng HDFC ở Ấn Độ đã mở rộng dịch vụ cho nông dân, cũng như tính năng phê duyệt khoản vay ô tô chỉ trong 10 giây nhờ AI; DBS Marketplace ở Singapore cho phép người tiêu dùng tìm kiếm ô tô và khoản vay tương ứng.
Với tiềm năng của công nghệ blockchain, cách áp dụng tính năng cũng càng đa dạng. Tại Hàn Quốc, Kookmin Bank định giới thiệu dịch vụ “Lưu ký tài sản kỹ thuật số”, giúp quản lý tiền điện tử an toàn.
BKash của Bangladesh cung cấp một giải pháp sáng tạo khác, dịch vụ tài chính di động cho phép người dùng gửi tiền vào tài khoản điện thoại để thanh toán, chuyển khoản, và thậm chí cho vay.
Ngân hàng IndusInd của Ấn Độ cũng mang đến các tính năng mới lạ, như IndusAssist để giúp người dùng thực hiện các thao tác ngân hàng qua trợ lý ảo Alexa, hay VideoBranch để khách hàng gọi trực tuyến với Giám đốc chi nhánh và thực hiện giao dịch dù ở bất kỳ đâu trên thế giới.
Đọc thêm: 10 trào lưu mới để cải thiện trải nghiệm khách hàng ngân hàng số cho một cú nhảy vọt vượt bậc (P.1)
Kỳ vọng gì ở những bước chuyển đổi tiếp theo với các ngân hàng Châu Á?
Dù là ngân hàng truyền thống hay số hoá hoàn toàn, cuộc chơi để dành thị phần nằm ở sự khác biệt trong trải nghiệm khách hàng. Các lãnh đạo nếu muốn mở rộng tầm nhìn về tiềm năng ngân hàng sẽ cần các chiến lược về:
- Kiến trúc công nghệ linh hoạt: Để cạnh tranh về tốc độ, hiệu năng, và trải nghiệm, một nền tảng dạng module sẽ giúp tương tác liên tục với hệ thống cốt lõi cũng như cải tiến thường xuyên.
- Nền tảng dữ liệu nâng cao: Phân tích chuyên sâu về các trường hợp sử dụng sẽ tạo tác động tích cực lên trải nghiệm khách hàng và giá trị của ngân hàng. Bên cạnh đó, các nhân viên cũng có thể sử dụng dữ liệu để lên kế hoạch dựa trên các mục tiêu chiến lược.
- Hợp tác là sức mạnh: Khi open banking trở thành tiêu chuẩn với hệ sinh thái sản phẩm số, các ngân hàng sẽ thấy sự hợp tác là rất quan trọng để chiến thắng. Hoặc nếu nguồn tài chính dư dả, hãy cân nhắc thâu tóm các các công ty cung cấp công nghệ còn thiếu.
Đọc thêm: Khách hàng số sẽ mong đợi điều gì từ ngân hàng và các dịch vụ tài chính?
Kết
Chúng ta đang chứng kiến những thay đổi lớn nhất trong công nghệ tài chính kể từ khi các ngân hàng lần đầu tiên được vi tính hóa vào giữa thế kỷ 20. Một kỷ nguyên mới thú vị đang đón chờ, và Châu Á sẽ là khu vực mà cả thế giới cần theo dõi sát sao. Giờ đây, có lẽ phương Tây sẽ cần học hỏi từ phương Đông cách tối ưu trải nghiệm người dùng ngân hàng.